* Tôm Việt có cơ hội khi Mỹ - Trung căng thẳng thương mại
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, XK thủy sản đạt kim ngạch 765,4 triệu USD, tăng nhẹ so với tháng trước đó. Tính ra, trong 7 tháng đầu năm nay, XK thủy sản đã đạt 4,726 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này vẫn còn xa so với kỳ vọng mà nguyên nhân chính là việc giảm mạnh đà tăng trưởng trong quý II (chỉ tăng 5,7% so với quý II/2017). Dù vậy, XK thủy sản trong tháng 7 đã có những dấu hiệu cho thấy tình hình bắt đầu tốt hơn, qua đó tạo đà cho tăng trưởng nửa cuối năm.
Giá tôm vẫn ảnh hưởng rõ nét tới sự tăng trưởng của XK thủy sản. Trong tháng 7, nhờ giá tôm XK đã tăng lên so với quý II, nên giá trị XK tôm đạt khoảng 348 triệu USD. Tính ra, trong 7 tháng đầu năm, giá trị XK tôm đạt gần 2 tỷ USD (tôm thẻ đạt gần 1,4 tỷ USD; tôm sú đạt 474 triệu USD). Bên cạnh đó, 2 sản phẩm chủ lực khác là cá tra và cá ngừ vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt là 17% và 12% trong tháng 7, góp phần quan trọng giúp cho XK thủy sản trong tháng vừa qua tăng trưởng tốt hơn.
Thông tin từ các doanh nhân ngành thủy sản, cho thấy, trong những tháng cuối năm, NK thủy sản sẽ tăng lên ở các thị trường quan trọng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Với sản phẩm quan trọng nhất là tôm, nhu cầu thị trường thế giới đang tăng trở lại giúp cho giá tôm XK tiếp tục có cơ hội hồi phục, qua đó tác động tích cực hơn tới giá tôm hàng hóa nội địa. Theo dự báo của VASEP, giá tôm sẽ tăng lên vào tháng 9 và tháng 10.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng có thể tạo cơ hội thuận lợi hơn cho XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm nay. Nếu sắp tới Mỹ áp thuế bổ sung 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa NK từ Trung Quốc, trong đó có thủy sản, thì tôm Trung Quốc là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng mạnh nhất. 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã XK 16.426 tấn tôm sang Mỹ, đứng hàng thứ 6 trong số những nước XK tôm vào thị trường này (Việt Nam đứng thứ 5). Khi bị áp thuế bổ sung 10%, tôm Trung Quốc sẽ khó cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ. Khi ấy, các nhà NK Mỹ có thể chuyển sang mua tôm từ Indonesia, Thái Lan, Mexico, Brazil và Việt Nam.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, khi gặp khó ở thị trường Mỹ, các nhà chế biến tôm Trung Quốc cũng có thể sẽ giảm NK tôm nguyên liệu để chế biến và XK. Mà 94% tôm Việt Nam XK sang Trung Quốc năm 2017 là tôm nguyên liệu/tươi sống/đông lạnh. Vì vậy, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, do Việt Nam ở sát bên Trung Quốc, nên nhiều khả năng trong thời gian tới, phía Mỹ sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ tôm NK từ Việt Nam nhằm ngăn chặn tôm Trung Quốc “đội lốt” tôm Việt để né thuế bổ sung. Điều này cũng sẽ làm tăng chi phí XK tôm sang Mỹ. Dù vậy, so với Trung Quốc, Mỹ vẫn là thị trường quan trọng hơn của tôm Việt Nam vì có giá XK tốt hơn, giá trị XK lớn hơn, tôm Việt Nam lại đã có vị thế ở thị trường Mỹ, được nhiều người tiêu dùng Mỹ lựa chọn. Do đó, cân đong đó đếm cơ hội cũng như thách thức, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể sẽ mang lại lợi thế nhiều hơn cho tôm Việt Nam. Điều này cũng sẽ góp phần ít nhiều vào XK tôm những tháng cuối năm nay.
Bên cạnh tôm, XK những sản phẩm chủ lực khác như cá tra, cá ngừ… được dự báo cũng sẽ tiếp tục XK thuận lợi trong những tháng cuối năm nay. Cả cá tra lẫn cá ngừ đều có những cơ hội thuận lợi hơn lại thị trường Mỹ khi cá rô phi (đối thủ của cá tra) và cá ngừ tươi/đông lạnh của Trung Quốc đều được cho là bị bị ảnh hưởng lớn tại thị trường Mỹ do chiến tranh thương mại. Bên cạnh đó là nhu cầu tăng lên từ nhiều thị trường chính khác.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho rằng, do ảnh hưởng của việc giảm giá tôm trên thị trường thế giới trong quý II, cũng như một số nguyên nhân khác, XK thủy sản cả năm nay nhiều khả năng khó đạt được mục tiêu đề ra là 10 tỷ USD. Nhưng đây cũng là một mục tiêu cần thiết để cả ngành hàng thủy sản cùng nỗ lực phấn đấu. Với sự tăng trưởng trở lại cộng với nhu cầu NK thường tăng cao trong XK 6 tháng cuối năm, XK thủy sản cả năm nay có thể đạt gần 9 tỷ USD.