Cũng như những năm trước, xuất khẩu thuỷ sản năm 2013 tiếp tục được dự báo sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong quý I, II của năm 2013 gần như giậm chân tại chỗ.
Tín hiệu vui đến khi bước sang quý III, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công nhận 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam không bán phá giá khi xuất sang thị trường này.
Tận dụng tốt yếu tố thị trường
Đến quý IV, Mỹ huỷ vụ kiện chống tạp chất đối với tôm Việt Nam và đưa ra phán quyết Việt Nam không bán phá giá, tôm tại thị trường này.
Ngay lập tức thị trường xuất khẩu được khơi thông, tình hình chế biến, xuất khẩu thuỷ sản chuyển biến theo hướng tích cực. Mặt khác, các nước xuất khẩu tôm như: Thái Lan, Ecuador, Trung Quốc bị dịch bệnh, tôm chết liên tục nên nguồn nguyên liệu bị giảm mạnh, kéo theo đó là việc giá tôm tăng đột biến (bình quân tăng 40%, có lúc lên đến 80%). Đây là thuận lợi lớn và là nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm qua.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau (CASEP), nhận định, nhìn tổng thể thì xuất khẩu thuỷ sản 2013 có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì dễ dàng nhận ra những yếu tố ngoại lực tác động vào. Điểm nhấn đầu tiên là vấn đề giá. Trong năm qua, giá tăng cao chưa từng thấy trong 10 năm trở lại đây.
Chính sự tăng giá tôm nguyên liệu này đã khích lệ tinh thần người nuôi tôm. Mặc dù đã qua nhiều vụ nuôi thất bại vì dịch bệnh và vì giá, người nuôi tôm vẫn cố gắng dồn hết sức cho vụ nuôi mới này vì giá tôm đang cao. Ao đầm thì đã có, nguồn vốn cũng đã được khai thông, dịch bệnh cũng cơ bản được khống chế nên các vụ nuôi đa số là thành công.
Sau khi khủng hoảng kinh tế đã chạm đáy thì việc phục hồi là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, khủng hoảng để lại hậu quả nặng nề cho lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thuỷ sản. Tại Cà Mau, mặc dù những tháng cuối năm tình hình xuất khẩu thuỷ sản có nhiều thuận lợi nhưng thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và yếu tố “hên” từ ngoại lực không phải lúc nào cũng có được.
Ông Ngô Văn Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau, bộc bạch: “Ai cũng biết, giá tôm trên thế giới được hình thành trên quan hệ cung - cầu và việc giá tôm có biến động hay không, biến động như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự khắc phục tình trạng tôm chết ở các nước.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam thì Thái Lan đã quản lý được dịch bệnh; Trung Quốc, Mexico cũng đã cải tiến cách nuôi… Như vậy, nhiều khả năng từ năm 2014, sản lượng tôm trên thế giới sẽ tăng lên, giá cả sẽ có biến động”.
Cần nâng cao nội lực
Nhìn tổng thể thì xuất khẩu thuỷ sản đã về đích nhưng con đường phía trước vẫn còn nhiều rủi ro. Vấn đề khó khăn nhất là nguồn cung cấp nguyên liệu cũng chưa được tháo gỡ một cách thoả đáng. Năm 2013, diện tích tôm công nghiệp không đạt chỉ tiêu; dịch bệnh tạm lắng vì hết chu kỳ chứ ngành nông nghiệp cũng chưa thể khống chế được dịch bệnh; nông dân thiếu vốn để tái đầu tư vì qua nhiều mùa dịch bệnh; tình hình tôm thế giới đã dần phục hồi nên giá tôm trong thời gian tới có khả năng sẽ biến động.
Ông Ngô Văn Nga bức xúc: “Tình hình đã khác nhiều so với trước, hàng loạt vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn sản xuất. Điều này đặt ra yêu cầu tất yếu là phải tái cơ cấu lại sản xuất thuỷ sản một cách căn cơ, toàn diện cả về tư duy nhận thức lẫn hành động bằng một quy hoạch - kế hoạch cụ thể với một hệ thống chính sách đủ mạnh. Điều đó được triển khai chí ít là cấp vùng, để chuyển từ phát triển “nóng” theo chiều rộng sang phát triển có trật tự, có chiều sâu”.
Cùng quan điểm trên, ông Lý Văn Thuận cho rằng: “Các doanh nghiệp top cuối vẫn còn chật vật tìm lối thoát. Lãi suất vốn vay ở mức chấp nhận được, tuy nhiên, nguồn vốn cũng chưa dồi dào, đặc biệt các doanh nghiệp ở top giữa và cuối khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.
Đã vậy, vấn đề xây mới nhà máy cũng chưa được tỉnh cũng như vùng kiểm soát chặt chẽ. Phát triển công nghiệp chế biến thuỷ sản còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch vùng và việc phối hợp liên kết lẫn nhau giữa các địa phương còn lỏng lẻo kéo theo việc tranh mua, tranh bán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh như vừa qua”.
Chính vì vậy, chỉ tiêu xuất khẩu năm 2014 chỉ 1,12 tỷ USD, nhưng theo đánh giá của các ngành hữu quan thì sẽ rất khó đạt được. Mặc dù theo chỉ tiêu này, bình quân mỗi doanh nghiệp phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8% so với năm 2013.
Để đạt được chỉ tiêu này, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu bền vững cho mình là việc làm quan trọng nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi nhấn mạnh: “Để đạt được kế hoạch đề ra cần sự nỗ lực, tích cực của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh nhà phải ra sức nhiều hơn nữa trong vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân để đáp ứng ngày càng tốt hơn vấn đề cung - cầu nguyên liệu cho chuỗi sản xuất nuôi trồng - chế biến và xuất khẩu đạt được chỉ tiêu đề ra”./.