Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về kiểm tra chứng nhận chất lượng và các quyết định liên quan đến kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu sau khi ra đời đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Kiến nghị được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra là nên kiểm soát điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chứ không nên áp dụng việc lấy mẫu kiểm nghiệm bắt buộc đối với các lô hàng làm điều kiện để cấp chứng thư (H/C) xuất khẩu vì điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hơn một năm qua, nhiều kiến nghị đã được VASEP gửi tới Bộ NN&PTNT nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bày tỏ: Thủ tục kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm hàng xuất khẩu tăng quá mức cần thiết khiến các doanh nghiệp vất vả và thêm chi phí cho mỗi lô hàng. Những quy định này nên được thay đổi để phù hợp với Luật an toàn thực phẩm, thông lệ quốc tế và giảm chi phí cho doanh nghiệp trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt hiện nay. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang mong chờ sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ phần nào những khó khăn mà họ gặp phải trong thời gian qua. Bởi theo tính toán, tổng chi phí kiểm nghiệm lô hàng của một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình khi xuất khẩu sang EU sẽ tăng thêm 35-42% theo quy định xếp loại doanh nghiệp. Ngoài ra, mức phí phải trả cho việc lấy mẫu kiểm nghiệm theo yêu cầu kiểm tra của nhà nước sẽ tăng 2-3 lần so với trước, cộng với chi phí phát sinh trong thời gian chờ đợi kết quả kiểm nghiệm.
Được biết, từ cuối tháng 8/2012, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã giao cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) rà soát, nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia để sửa đổi, bổ sung Thông tư 55 cho phù hợp với quốc tế và thực tiễn của Việt Nam và trong tháng tháng 9/2012 phải hoàn thành dự thảo trình Bộ trưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn chưa được tháo gỡ và dự thảo sửa đổi Thông tư 55 cũng chưa thấy xuất hiện.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP- các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện gặp cùng lúc nhiều khó khăn như: Thiếu vốn cho cả doanh nghiệp và người nuôi trồng nguyên liệu, phí kiểm tra an toàn thực phẩm cao, rào cản xuất khẩu tại thị trường Mỹ, Nhật Bản... Ông Dũng cho rằng đã hơn 1 năm sau ngày VASEP gửi Công văn số 192/2011/CV-VASEP tới Bộ phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp thủy sản về các nội dung tại Thông tư 55 mà vẫn chưa thấy có sự hỗ trợ gì cho doanh nghiệp. Cần sửa đổi nội dung thông tư này cho phù hợp với thực tiễn, tránh tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.