Từ ngày 15/12/2012, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bắt đầu vào vụ nuôi tôm mới. Lịch thời vụ được khuyến cáo cho vùng nuôi tôm - lúa bắt đầu thả con giống vào khoảng giữa tháng 3/2013 và không thể trễ hơn để tránh ảnh hưởng tới trồng lúa nối vụ. Riêng đối với nuôi tôm công nghiệp, tốt nhất là bắt đầu vào vụ từ tháng 4/2013.
Đối diện khó khăn
Do suy thoái kinh tế nên thời gian qua, nhiều thị trường rất kén chọn đối với mặt hàng thuỷ sản, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nuôi trồng thuỷ sản trong cả nước nói chung và Cà Mau nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Tư, người có gần 20 năm theo nghề nuôi tôm ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, nhận định, một trong những thách thức cho người nuôi tôm trong vụ nuôi tiếp theo là tình trạng dịch bệnh diễn ra ngày một trầm trọng và trên diện rộng. Cùng với đó là thức ăn thuỷ sản, vật tư đầu vào mỗi lúc một đắt đỏ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả nuôi tôm.
Trong năm 2012, toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha tôm nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sau gần 2 năm xuất hiện bệnh gan tuỵ chỉ mới được xác định nguyên nhân bước đầu rất chung chung. Do tôm giống chất lượng kém, thả nuôi trong điều kiện môi trường bất lợi (hiện diện thuốc bảo vệ thực vật, oxy hoà tan thấp, độ mặn cao, ô nhiễm hữu cơ…), dẫn đến tôm chết sớm và hội chứng hoại tử gan tuỵ.
Trước tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, trong khi thời vụ nuôi tôm mới bắt đầu, Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư khuyến cáo người nuôi tôm cần tuân thủ quy trình nuôi thả tôm và áp dụng những biện pháp hợp lý nhằm giảm tối đa rủi ro, tổn thất.
Trong công tác quản lý, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra thuốc thú y thuỷ sản, con giống; khuyến cáo nông dân cách chọn tôm giống chất lượng.
Mặt khác, giá bán tôm vào một số thời điểm thấp và rào cản thương mại ở thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước EU cũng đang là một thách thức lớn nếu người nuôi tôm và ngành chế biết xuất khẩu không có giải pháp thiết thực.
Quyết tâm vượt khó
Theo nhận định của ngành chức năng, nếu có sự nỗ lực và hỗ trợ lẫn nhau của cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp cũng như người nuôi tôm thì mục tiêu đạt 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu là không khó.
Tuy rào cản thương mại hiện là một thách thức lớn nhưng theo ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau (CASEP) thì khó khăn này có thể vượt qua nếu có quyết tâm cao. Đặc biệt, đối với việc quản lý và sử dụng những chất kháng sinh cấm ngoài danh mục cho phép.
Đồng thời, khuyến khích nông dân nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng hoá chất, thuốc kháng sinh. Xây dựng những mô hình nuôi tôm kiểu mẫu về liên kết 4 nhà để nhân rộng ra nhiều địa phương.
Ngay sau khi nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, nhiều doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất, kinh doanh.
Là một trong những người nuôi tôm khá thành công trong nhiều năm qua, ông Trần Văn Bảy, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, chia sẻ, yếu tố giống được xem là quan trọng hàng đầu. Khi chọn được con giống có chất lượng, căn cứ theo lịch thời vụ, chọn đúng thời điểm thả con giống; nuôi tôm đúng theo quy trình kỹ thuật; trong quản lý sức khoẻ tôm chú trọng tăng cường sức đề kháng tôm là sẽ có vụ nuôi thành công.
Bước sang vụ nuôi tôm năm 2013, tỉnh đang có nhiều quyết tâm nhằm giúp nghề nuôi thuỷ sản phát triển bền vững. Cùng với sự kỳ quyết ấy là nhiều chính sách hỗ trợ nghề nuôi đã được triển khai.
Hình thức liên kết 4 nhà trong nuôi tôm đang được tỉnh chỉ đạo quyết liệt cũng như việc đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện 3 pha cho vùng nuôi tôm công nghiệp đang được quan tâm thực hiện…
Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến và xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục kiện toàn lại bộ máy, đầu tư nâng chất thiết bị, giảm thiểu chi phí để nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngành chức năng tập trung chỉ đạo giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở sản xuất con giống./.