Từ cuối năm 2014, đồng EUR bị mất giá kỷ lục so với USD, đã ảnh hưởng lớn tới các nhà xuất khẩu do nhiều doanh nghiệp EU giảm nhập khẩu và gửi đề nghị các nhà cung cấp Việt Nam giảm giá bán. Đây chính là lý do khiến xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường EU 3 những tháng đầu năm 2015 giảm mạnh. Hiện các doanh nghiệp EU nhập khẩu cá tra phile đông lạnh từ Việt Nam sau đó tăng giá trị cho sản phẩm bằng cách tẩm, ướp, bao bột, đóng gói theo quy cách, thị hiếu của người châu Âu… Do đó, cùng với việc nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam, một số nước như Đức, Hà Lan, Bỉ lại tái xuất sản phẩm cá tra sang các nước trong EU, lên tới 50% tổng khối lượng nhập khẩu. Điều đó cho thấy doanh nghiệp xuất khẩu thủy cần phải có giải pháp ứng phó, đặc biệt là việc nhanh chóng đầu tư vào khâu chế biến thành phẩm.
Với việc xuất khẩu cá ngừ, tuy có dấu hiệu chuyển biến nhưng khối lượng vẫn giảm. Theo VASEP, Quý I/2015, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam giảm mạnh phần lớn do giá thế giới xuống thấp, cộng với nhu cầu thị trường yếu. Sang đến Quý II, xuất khẩu sang một số thị trường có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tổng xuất khẩu cá ngừ tính đến hết tháng 5 vẫn giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị đạt 187,2 triệu USD.
Mỹ, thị trường nhập khẩu lớn nhất cá ngừ Việt Nam chiếm 40,8% tỷ trọng đã có sự tăng trưởng khả quan khi giá trị xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường này đạt 76,3 triệu USD, tăng 10%. Một con số so sánh: Thái Lan nhiều năm là quốc gia cung cấp cá ngừ lớn nhất cho Mỹ. Tuy nhiên, thống kê từ Trung tâm Thương mại thế giới (ITC) cho thấy, nhập khẩu cá ngừ Thái Lan vào Mỹ trong 4 tháng đầu năm giảm 12,2% trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng 5,4%.
Một dẫn chứng khác, mặc dù xuất khẩu cá ngừ sang khu vực EU nói chung giảm 21,2% với giá trị đạt 45,9 triệu USD, nhưng xuất khẩu sang Tây Ban Nha 5 tháng đầu năm nay tăng 81,8%, đạt 7,1 triệu USD và nước này trở thành thị trường tiêu thụ cá ngừ Việt Nam lớn thứ hai sau Đức tại châu Âu.
Ngoài Mỹ, Tây Ban Nha, những tháng đầu năm cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong việc xuất khẩu cá ngừ sang ASEAN và Mexico. Đối với thị trường ASEAN, cá ngừ Việt Nam sẽ còn nhiều cơ hội hơn khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, mở ra cho Việt Nam nhiều thị trường tiềm năng trong khu vực năng động này. Riêng với Mexico, trong năm nay cũng có nhiều triển vọng bởi nước này đang phải áp dụng các biện pháp bảo tồn nguồn lợi cá ngừ. Việc thiếu nguồn nguyên liệu cho chế biến sẽ thúc đẩy Mexico gia tăng nhập khẩu từ nước ngoài. Cũng là tín hiệu vui khi tính đến hết tháng 5, xuất khẩu cá ngừ từ Việt Nam sang Nga tăng mạnh nhất trong nhóm 10 thị trường chính, với mức tăng 174,4%.
Còn về mặt hàng cua, ghẹ, tới nay Việt Nam đứng thứ 4 trong ASEAN khi xuất khẩu sang Mỹ, sau Indonesia, Philippines và Thái Lan. Theo VASEP, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhập khẩu lớn nhất cua, ghẹ của Việt Nam, chiếm gần 45% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cua, ghẹ của Việt Nam sang Mỹ đạt 12,6 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê của ITC, trong 4 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập cua, ghẹ từ 32 nước trên thế giới đạt 21.163 tấn với giá trị gần 374 triệu USD, tăng 2,5% về khối lượng và 6,9% về giá trị. Nhập khẩu cua, ghẹ từ các nước ASEAN đạt 175,9 triệu USD, chiếm 46,9% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ. Như vậy, nhập khẩu cua, ghẹ của Mỹ từ các nước ASEAN đã tăng đến 42,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Tại thời điểm này, sản phẩm cua, ghẹ của Việt Nam đang có mức giá cạnh tranh hơn so với các sản phẩm của Philippines và Indonesia. Nhìn tổng thể, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 9 trong tổng số các quốc gia xuất khẩu cua, ghẹ vào Mỹ.
Đó là những tín hiệu vui cho ngành hàng thủy sản của Việt Nam, cho dù áp lực cạnh tranh là rất lớn, đặc biệt là tại châu Âu.