Nỗ lực đáng ghi nhận
DOC đã công nhận toàn bộ 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 7 này (POR7) không bán phá giá tôm trên thị trường Hoa Kỳ, nên tất cả các doanh nghiệp đều nhận mức thuế 0%. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2004, tôm Việt Nam chính thức bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá (CBPG) với mức thuế 4,57%. Từ đó đến nay, qua 7 đợt rà soát cùng với nỗ lực bền bỉ của các doanh nghiệp theo đuổi vụ kiện, DOC cuối cùng đã thừa nhận các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam không bán phá giá. Và đây là lần đầu tiên DOC quyết định mức thuế 0% cho tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam tham gia xem xét hành chính thuế CBPG. Một tín hiệu hết sức đáng mừng.
Cùng tin vui với mức thuế 0% vào thị trường Hoa Kỳ thì xuất khẩu tôm trong tháng 8-2013 đạt tới 280 triệu USD, tăng khoảng 38% so cùng kỳ; nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm 8 tháng đầu năm 2013 lên 1,7 tỷ USD, tăng 18% so cùng kỳ năm 2012. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhìn nhận, những tháng đầu năm xuất khẩu tôm đối mặt với hàng loạt khó khăn, khiến nhiều người hoài nghi về kế hoạch đề ra. Song, những nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ tích cực trên nhiều mặt của các ngành chức năng… đã đưa con tôm phục hồi nhanh chóng. Hầu hết các thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam đều tăng; trong đó thị trường Hoa Kỳ tăng gần 43%, Nhật Bản tăng 11,4%, EU tăng 5,3%, Trung Quốc tăng 37%, Canada tăng 36%... Có thể nói, con tôm đang “cứu” ngành thủy sản trong thời buổi xuất khẩu gặp nhiều thách thức.
Tăng tốc về đích từ 2,5 - 2,6 tỷ USD
Thời điểm đầu tháng 7-2013, Bộ Công thương lo ngại xuất khẩu tôm năm 2013 chỉ có thể đạt 2,1 tỷ USD, giảm 5% so năm 2012; bởi rào cản kỹ thuật từ nhiều nước trên thế giới dựng lên làm khó các doanh nghiệp. Ở trong nước, nguồn tôm nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng do dịch bệnh tràn lan gây thiệt hại. Song, bản lĩnh thương trường nhiều năm đã giúp các doanh nghiệp trụ vững và tạo nên những bứt phá hiệu quả trong xuất khẩu. Theo tính toán của VASEP, với mức xuất khẩu tôm trung bình khoảng 250 triệu USD/tháng, khả năng năm 2013 con tôm sẽ đem về giá trị từ 2,5 - 2,6 tỷ USD, tăng khoảng 15% so năm 2012; vượt kế hoạch đề ra.
Xuất khẩu tôm tăng ngoạn mục.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết, nhờ kiên trì mục tiêu và đề ra chiến lược kinh doanh hợp lý nên xuất khẩu tôm của công ty đang tăng mạnh nhất trong những năm qua. Hiện tại DOC quyết định mức thuế 0% sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tôm tăng tốc trong những tháng cuối năm. Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau, tình hình sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh đang cải thiện tích cực. Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu tôm liên tục được mở rộng, cộng với nguồn tôm nuôi ở tỉnh đang phục hồi nhờ khống chế được dịch bệnh; từ đó giúp các doanh nghiệp chủ động việc ký hợp đồng với nhà nhập khẩu. Cà Mau đang chạy đua trong những tháng cuối năm nhằm nỗ lực đạt 1 tỷ USD xuất khẩu thủy sản trong năm 2013.
Thị trường xuất khẩu khơi thông đã kéo giá tôm nguyên liệu trong nước tăng theo chiều hướng có lợi cho người nuôi. Tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre… giá tôm sú loại 20 con/kg tăng lên 240.000 - 250.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 200.000 đồng/kg; loại 40 con/kg giá 160.000 - 170.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 60 con/kg giá 135.000 - 140.000 đồng/kg… Theo ông Lê Phong Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có 31.000ha tôm nuôi (trong đó 5.300ha nuôi công nghiệp), nhờ vụ này môi trường ổn định, cộng với việc kiểm tra con giống nghiêm ngặt, tập huấn kỹ thuật chu đáo, quản lý chặt thời vụ, vùng nuôi... nên tỷ lệ tôm chết giảm mạnh. Giá tôm ở mức cao và bà con trúng mùa đã tạo nên không khí sản xuất sôi động trên các ao tôm. Bến Tre xác định con tôm mang lại giá trị kinh tế cao nên tỉnh tập trung đầu tư, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân nuôi tôm đạt hiệu quả. Sự phục hồi nhanh của con tôm là điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương vùng ven biển phát triển.