Năm 2014, dịch bệnh khiến nguồn cung tôm từ Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác giảm nhưng lại giúp tôm Ấn Độ nâng tầm ảnh hưởng trong thương mại tôm toàn cầu. Ấn Độ có nguồn tôm chân trắng giống bố mẹ sạch bệnh NK từ Mỹ khiến nguồn cung tôm tăng cao. Bên cạnh đó, đồng rupee giảm giá mạnh giúp các sản phẩm thủy sản của Ấn Độ trở lên hấp dẫn hơn đối với các nhà NK. Đặc biệt, Ấn Độ là một nhà cung cấp đáng tin cậy, đáp ứng tốt yêu cầu của nhà NK về mặt thời gian, điều này cũng góp phần củng cố vị trí của tôm Ấn Độ trên thị trường thế giới.
Bước sang năm 2015, XK tôm của Ấn Độ chững lại do giá tôm nguyên liệu giảm và dịch bệnh phát sinh và nhu cầu NK từ các thị trường đầu năm thường thấp.
Chín tháng đầu năm 2015, XK tôm của Ấn Độ đạt 2,4 tỷ USD; giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2014. Mỹ vẫn là thị trường NK tôm lớn nhất của Ấn Độ với 926,3 triệu USD; giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 39% tổng XK tôm của Ấn Độ. Việt Nam đứng thứ hai với 374,5 triệu USD; giảm 11,8% và chiếm 16% tổng XK tôm của Ấn Độ. Nhật Bản đứng thứ ba với 229,7 triệu USD, giảm 18,8%.
Trước đây, thị trường NK chính tôm Ấn Độ lần lượt là Mỹ, EU, Nhật Bản và UAE. Tính tới tháng 9 năm nay, Ấn Độ chủ yếu cung cấp tôm cho các thị trường Mỹ, Việt Nam, Nhật Bản và EU. Trong top 10 thị trường NK tôm chính của Ấn Độ, XK tôm sang Bỉ giảm mạnh nhất 33,6%. Hà Lan và Trung Quốc là 2 thị trường ghi nhận mức tăng trưởng dương về NK tôm của Ấn Độ trong thời gian này tuy nhiên khối lượng NK không nhiều.
Tôm nguyên liệu đông lạnh (mã 030617) và sản phẩm XK chủ yếu của Ấn Độ. Đối với sản phẩm này, Mỹ là thị trường NK nhiều nhất, Việt Nam đứng thứ hai. Tiếp đó là tôm chế biến đóng hộp kín khí và không đóng hộp kín khí (mã 160529 và 160521). Với sản phẩm mã 160529, Mỹ NK nhiều nhất, Bỉ đứng thứ hai và sản phẩm mã 160521, Mỹ NK nhiều nhất, Canada đứng thứ hai.
Giá tôm chân trắng cỡ 30 con/kg trong tuần thứ ba của tháng 12 năm nay tăng từ 480 rupee/kg lên 510 rupee/kg. Giá tôm các cỡ khác tăng trung bình từ 5-20 rupee/kg.
Giá tôm chân trắng ở Ấn Độ dự kiến vẫn tiếp tục tăng trong năm 2016 do khan hiếm nguồn nguyên liệu. Giá tăng có thể khuyến khích tăng diện tích thả nuôi trong năm 2016. Bệnh vi bào tử trùng trên tôm (EHP) dự kiến làm giảm sản lượng tôm nuôi của Ấn Độ từ 10-20% trong năm 2015 (dự kiến đạt 300.000 tấn).
Mặc dù giá tôm Ấn Độ đang tăng nhưng XK tôm của Ấn Độ dự kiến không thể tăng các tháng cuối năm nay.