Somsak Paneetatyasai, chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan cho biết, dự kiến khối lượng xuất khẩu tôm năm 2013 của nước này đạt 350.000 tấn. Tổng sản lượng tôm năm nay của Thái Lan dự đoán đạt 540.000 tấn, giảm 10% so với 600.000 tấn năm 2011 do các dịch bệnh như hội chứng tôm chết sớm và hội chứng đốm trắng. Xuất khẩu tôm năm 2012 cũng giảm khoảng 10%.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu năm nay sẽ vẫn giữ nguyên ở mức 100 tỉ bạt.
Ông cho biết xu hướng giá năm 2013 sẽ tương tự như năm 2012 – trong đó, giá tôm cỡ 70 con/kg ở mức khoảng 140 bạt.
Sản lượng tôm thế giới năm 2012 dự kiến đạt 2,02 triệu tấn, giảm 13% so với năm ngoái, do dịch bệnh lan rộng và thay đổi khí hậu.
Các nhà xuất khẩu tôm lớn khác là Trung Quốc, Việt Nam, Inđônêxia, Malaixia và Philippin.
Ông Somsak cho biết Thái Lan có thể vẫn giữ vững vị trí là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới trong ít nhất 3 năm nữa nhờ sự phát triển và chất lượng nuôi trồng thủy sản.
Trong 10 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã xuất khẩu 285.000 tấn tôm, giảm 12,31%, trị giá 79,13 tỉ bạt, giảm 12,67%.
Ông Somsak cho biết hiệp hội đang yêu cầu chính phủ tăng cường thương lượng với Chính phủ Mỹ để giải quyết những rào cản xuất khẩu trong đó có các biện pháp chống bán phá giá.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ Mỹ giảm mức thuế chống phá giá, hiện nay đang ở mức 1,38%”, ông cho biết thêm.
Ngành tôm đang được giám sát chặt chẽ sau khi Public BroadCasting System báo cáo về việc Thái Lan đang sử dụng lao động trẻ em nhập cư trong các nhà máy.
Hai năm qua, Chính phủ Mỹ xếp Thái Lan và Bănglađet vào danh sách các nước cần được giám sát “Chính phủ Thái Lan sẽ tăng cường đối thoại với Mỹ để giải quyết vấn đề này vì trong tháng 2 tới, Washington sẽ đánh giá lại tình hình tại Thái Lan”.
“Nếu tiếp tục bị xếp hạng 2 trong năm thứ 3 liên tiếp, thì Thái Lan sẽ bị hạ xuống hạng 3, nghĩa là các hàng rào phi thuế quan sẽ gay gắt hơn, dẫn đến giảm sức cạnh tranh”.
Ông Somsak cho biết chính phủ cần triển khai đám phán hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, theo như dự kiến vào tháng 2.