Lũy kế 11 tháng của năm 2019, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm thẻ chiếm 69,9%, tôm sú chiếm 20,6% và còn lại là tôm biển. Xuất khẩu tôm chân trắng đạt 2,2 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu tôm sú đạt 636,2 triệu USD, giảm 15,7%; xuất khẩu tôm biển khác đạt trên 293,9 triệu USD, tăng 7,4%. xuất khẩu tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 31,8%. xuất khẩu tôm biển chế biến đóng hộp tăng tốt nhất 19,5%.
Trong tháng 11/2019, trong top 9 thị trường chính nhập khẩu tôm Việt Nam, xuất khẩu tôm đồng loạt tăng trưởng dương ở 7 thị trường chính trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia tăng trưởng hai con số, 2 thị trường vẫn giảm nhập khẩu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Xuất khẩu sang EU sau khi sụt giảm trong nhiều tháng cũng đã tăng trưởng dương trong tháng 11 năm nay. Giá tôm nguyên liệu và xuất khẩu tăng, nhu cầu nhập khẩu “ấm lên” từ các thị trường tiêu thụ chính phục vụ các lễ hội cuối năm đã đẩy xuất khẩu tôm Việt Nam nhích nhẹ trong tháng 11 năm nay.
Xuất khẩu tôm từ tháng 1 đến tháng11/2019.
EU
Lũy kế 11 tháng của năm 2019, xuất khẩu tôm sang thị trường EU đạt 636,5 triệu USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Sau khi giảm liên tục từ tháng 7/2019, xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 11/2019 đã tăng 1,3% đạt 55,7 triệu USD. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Anh, Hà Lan, Đức), trong tháng 11/2019, xuất khẩu sang Anh và Đức tăng lần lượt 3% và 10%, xuất khẩu sang Hà Lan giảm 20,7%.
Tôm chân trắng là sản phẩm chủ đạo xuất khẩu sang EU, chiếm tỷ trọng 79,5% tổng các sản phẩm tôm xuất sang EU, tôm sú chiếm 12,6%, còn lại là các sản phẩm tôm biển.
EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020.
Mỹ
Từ đầu năm 2019, mặc dù tăng trưởng không cao nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ duy trì được giá trị xuất khẩu ổn định. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 1,3% đạt 601,5 triệu USD.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau EU, chiếm 19,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm tích cực hơn nhờ Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.
Kết quả khả quan về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ trong POR 13 đã góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự kiến tăng khoảng 5% trong quý cuối năm nay.
Trung Quốc
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 11/2019 đạt hơn 54,4 triệu USD, tăng 17,6%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong số 6 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt hơn 493 triệu USD, tăng 9,6%.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020 dự kiến vẫn duy trì đà tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu và chế biến từ Trung Quốc vẫn cao để phục vụ Tết Nguyên đán.
Xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc vào những tháng cuối năm. Xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.