Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt 373,8 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ 2014.
Nguyên nhân là do áp lực cạnh tranh về giá và nguồn cung từ các nước như Ấn Độ, Indonesia. Cùng với đó, các nước này ngày càng tăng cường xuất khẩu hàng sang Mỹ để tận dụng đồng USD mạnh trong khi đồng nội tệ của họ hạ giá so với đôla Mỹ. Đây cũng là thách thức khiến tôm Việt chịu nhiều thiệt hại về giá trong thời gian qua.
Vasep cũng dự báo, thời gian tới nếu Hiệp định TPP có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ sáng sủa hơn. Tuy nhiên, tham gia TPP đồng nghĩa với việc tôm trong nước phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và những quy định do phía Mỹ đề ra. Ngoài ra, làn sóng ồ ạt xuất khẩu vào Mỹ sẽ gây áp lực lên ngành tôm nội địa của họ, từ đó Chính phủ nước này có thể nghĩ tới những biện pháp bảo hộ.
Để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức tại thị trường Mỹ, Vasep khuyên doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm hơn đến sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, thay vì chỉ xuất tôm thịt, tôm nguyên liệu đông lạnh. Bên cạnh đó, tìm cách nâng cao năng lực quản trị, lường trước diễn biến thị trường và phải thay đổi từ chất lượng, chi phí sản xuất.
Về phía điều hành trong nước, các doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn, tạo điều kiện và ưu đãi cho các khoản vay tới đơn vị nhập khẩu để họ có thể đảm bảo nguồn vốn sản xuất.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập từ Việt Nam giai đoạn từ 1/2/2013 đến 31/1/2014. Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8. Đây là một tín hiệu đáng mừng với tôm của Việt Nam.