Sau khi tăng trưởng ở mức hai con số trong 2 quý đầu năm, XK tôm sang Trung Quốc trong 2 quý cuối năm 2016 có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Trong quý đầu năm 2017, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc giảm 3,9% đạt 93,3 triệu USD. Tuy nhiên, XK trong quý II phục hồi tăng 57,6% đạt 189,6 triệu USD. Nhờ tăng trưởng mạnh trong quý II nên XK tôm sang thị trường này theo thống kê tới tháng 6/2017 đạt 282,9 triệu USD; tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2016, NK tôm vào Trung Quốc đạt 777,3 triệu USD; tăng 3% so với năm 2015. Trong giai đoạn này, trong số các nguồn cung tôm chính cho Trung Quốc, NK tôm từ Argentina (nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc) tăng mạnh nhất trên 224,3, tiếp đó Việt Nam với trên 176,7%. NK từ Ecuador, Ấn Độ đều giảm ở mức 2 con số lần lượt là 48% và 27,6%.
Tôm nước ấm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng NK tôm vào Trung Quốc, tiếp đó là tôm nước lạnh đông lạnh (HS030616).
Tỷ trọng tôm nước ấm đông lạnh ổn định trong khi tỷ trọng tôm nước lạnh đông lạnh ngày một tăng, khiến Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với các nước châu Á (Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia) trên thị trường Trung Quốc mà còn phải cạnh tranh với các nhà cung cấp tôm nước lạnh (Argentina, Canada). Tuy nhiên, nhờ ưu đãi thuế quan trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA); Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế khi XK thủy sản sang Trung Quốc.
Trung Quốc NK tôm không chỉ phục vụ tiêu thụ nội địa mà còn chế biến XK sang các nước khác. Nên xu hướng NK cũng tăng, giảm phụ thuộc vào nhu cầu từ các thị trường NK chính trên thế giới.
Với dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao của người dân Trung Quốc trong những năm gần đây, XK thủy sản đặc biệt là tôm sang thị trường này có nhiều cơ hội tăng trưởng. Nhu cầu NK tôm nguyên liệu cho chế biến và tái XK ngày càng tăng do sản lượng tôm nuôi trong nước dự kiến giảm và theo chính sách đẩy mạnh nhập để tái xuất của nước này.
Tuy nhiên, XK sang Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số khó khăn như thông tin mạng quản lý phía Trung Quốc yêu cầu, muốn XK vào nước này thì nhà máy chế biến phải có code vào Trung Quốc và nhà XK phải nằm trong danh sách được nước này phê chuẩn.
Do sản lượng tôm trong nước giảm nên xu hướng tăng NK tôm của thị trường Trung Quốc dự kiến vẫn tiếp tục trong thời gian tới. XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong quý II và cả năm 2017 cũng được dự báo tiếp tục tăng vì đây được coi là thị trường trọng tâm của nhiều DN XK tôm lớn của Việt Nam trong năm 2017.
Sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc ngày càng lớn, chi phí vận chuyển thấp, không có rào cản kỹ thuật, áp thuế bất hợp lý như thị trường Mỹ. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng đang bắt đầu đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU. Vì thế, các DN cần tập trung làm tốt chất lượng để khai thác bền vững thị trường này.
Bên cạnh đó cũng cần phải đánh giá đúng nhu cầu của thị trường Trung Quốc để cung cấp cho họ những sản phẩm phù hợp và tiếp tục đẩy mạnh XK chính ngạch vào thị trường này.