Giá tăng cuối mùa
Những ngày qua, giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau, vùng nuôi tôm lớn nhất ĐBSCL, đã tăng mạnh trở lại từ 5.000 – 15.000 đồng/kí lô gam (tùy loại) nhưng nguồn tôm nguyên liệu còn rất ít do nông dân đã thu hoạch xong hoặc chết vì dịch bệnh trước đó.
Cụ thể, tôm nguyên liệu được nông dân tại các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận (Cà Mau) được thương nhân thu mua tại ao với giá 210.000 – 220.000 đồng/kí lô gam đối với tôm loại 20 con/kí lô gam; 130.000 – 140.000 đồng/kí lô gam đối với tôm loại 30 con/ kí lô gam và loại 40 con/kí lô gam có giá 120.000 -125.000 đồng/kí lô gam.
Tại Trà Vinh, ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ấp Lồ Ồ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, cho biết hơn nửa tháng qua giá tôm được các doanh nghiệp trong tỉnh thu mua đã tăng trở lại nhưng so với vụ tôm năm ngoái giá vẫn thấp hơn 40.000 – 50.000 đồng/kí lô gam.
Theo đó, tôm loại 20 con/kí lô gam có giá 215.000 – 220.000 đồng/kí lô gam; loại 30 con/kí lô gam có giá 130.000 – 140.000 đồng/kí lô gam, tăng 5.000 – 10.000 đồng/kí lô gam so với mức giá cách đây hơn nửa tháng.
“Giá tăng nhưng tụi tôi cũng đâu còn tôm nữa đâu mà bán, ao thì bệnh chết, ao thì thu hoạch xong rồi”, ông Tuấn nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, tính đến giữa tháng 9, toàn tỉnh có khoảng 9.000 héc ta tôm nuôi bị dịch bệnh với tổng thiệt hại ước khoảng 2.300 tỉ đồng.
“Năm nay toàn tỉnh thả nuôi được khoảng 23.000 héc ta, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến rất là phức tạp và gây thiệt hại khoảng 15.000 tấn tôm nguyên liệu”, ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND Trà Vinh cho biết.
Xuất khẩu khó khăn
Theo báo cao của Vasep, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản - thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam tiếp tục sụt giảm sau sự kiện Nhật Bản nâng mức cảnh báo đối với chất Ethoxyquin lên 0,01ppm.
Cụ thể, trong hơn nửa đầu tháng 9 kim ngạch xuất khẩu tôm chân trắng sang Nhật giảm trên 22%; tôm sú giảm 1,2%; các loại tôm khác giảm tới 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong tháng 8 kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này cũng giảm tới 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho biết: “Rõ ràng việc duy trì kiểm tra Ethoxyquin ở mức này (0,01ppm) là một cái khó đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm của chúng ta rồi, chẳng những việc áp dụng này không phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn làm hạn chế vấn đề xuất khẩu của chúng ta nữa”.
Theo ông Hòe, trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục thủy sản thông qua các diễn đàn ngoại giao để kiến nghị phía Nhật Bản sửa đổi mức áp dụng như hiện nay. “Nếu phía Nhật Bản không sửa, chúng ta có thể kiện ra tổ chức thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh đó, vấn đề trước mắt là phía mình phải hạn chế sử dụng chất Ethoxyquin trong nuôi tôm”, ông Hòa cho biết.
Song song đó, tình hình xuất khẩu tôm sang Mỹ từ đầu năm đến nay cũng gặp rất nhiều khó khăn khi chỉ duy nhất tháng 2 và 3 đạt mức tăng trưởng khá so với cùng cùng năm ngoái, tính đến thời điểm hiện nay.
Vasep cho biết xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ sụt giảm mạnh do gặp sự cạnh tranh gay gắt bởi tôm giá rẻ của Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Cụ thể, trong khi giá tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cỡ 16/20 có giá 6,85 đô la Mỹ/pound (1 pound = 0,453 kí lô gam) thì của Indonesia chỉ 5 – 6,45 đô la Mỹ/pound, Ấn Độ 5,80 đô la Mỹ/pound…
“Giá thành sản xuất tôm của Việt Nam tăng cao buộc các doanh nghiệp xuất khẩu bán cao hơn các nước nên không thể cạnh tranh nổi với họ là hiển nhiên thôi”, ông Hòe cho biết.