Hiện toàn xã có 27ha mặt nước phục vụ cho nuôi thủy sản nước ngọt với sản lượng trung bình hằng năm gần 90 tấn cá các loại.
Ông Lê Văn Quyết, xóm Đông Phú có thâm niên hơn 30 năm trong nghề nuôi cá. Trước kia, khu ao nuôi của ông là vùng trồng lúa. Do năng suất không cao nên ông Quyết đã mua lại để nuôi thủy sản nước ngọt. Ông đầu tư cải tạo hút bùn đáy, xây dựng, tu sửa lại bờ ao, đầu tư máy sục khí, máy cấp nước… Hiện ông Quyết nuôi và sản xuất giống các loại cá truyền thống như: trắm, mè, trôi, chép, chuối… Đầu tư nuôi lớn nên cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ông còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về nuôi thủy sản nước ngọt do xã, huyện và một số cơ quan chức năng khác tổ chức. Ông còn kết hợp nuôi thêm 100 con lợn thịt, tận dụng nguồn thải từ chăn nuôi để nuôi cá. Trung bình mỗi năm ông thu hoạch được 1 tấn cá thương phẩm, xuất bán ra thị trường khoảng 200 vạn cá giống xuất đi thị trường trong tỉnh và tỉnh ngoài như Ninh Bình, Hà Nam... Tính cả cá và lợn, trừ chi phí mỗi năm ông có nguồn thu thực tế khoảng từ 300-400 triệu đồng. Để hạn chế những tác hại từ nguồn nước bị ô nhiễm, ông tăng cường hệ thống quạt nước trong các ao nuôi, thường xuyên theo dõi kiểm tra chất lượng nguồn nước để có những biện pháp xử lý, phòng chống bệnh kịp thời.
Ngoài hộ ông Quyết trên địa bàn xã còn nhiều hộ nuôi thủy sản khác cho hiệu quả kinh tế cao như hộ các ông Hoàng Văn Hải, Hoàng Văn Sơn, xóm Đông Phú; Nguyễn Mạnh Tấn, xóm Ngọc Minh… Hộ ông Hoàng Văn Sơn có 2 mẫu ao nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống. Ông cũng nuôi thêm 80-100 con lợn/năm để tăng thêm thu nhập. Chuyển sang nuôi thủy sản hơn chục năm nay, ông Sơn cho biết: “Có được mô hình khang trang như hiện nay, chúng tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng kết hợp với khoản tiền tích luỹ của gia đình để đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi cá”. Mỗi năm trung bình hộ ông Sơn thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2017, giá cá xuống thấp, giảm trung bình khoảng từ 5-10 nghìn đồng/kg khiến người nuôi cá nước ngọt nói chung vất vả, giảm lợi nhuận đi rất nhiều. Đáng chú ý là giá cá ở ngoài thị trường vẫn cao. Theo lý giải của người bán lẻ và cả người nuôi, nguyên nhân là do cá phải qua nhiều khâu trung gian nên khi đến tay người tiêu dùng thì giá vẫn cao, như vậy, chỉ có người nuôi và người tiêu dùng là chịu thiệt thòi. Ông Sơn cho biết, đến thời điểm hiện nay, vào dịp sát Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của thị trường tăng cao thì giá cá đã dần ổn định trở lại.
Đồng chí Phan Viết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thành cho biết: Để nghề “canh trì” của địa phương tiếp tục phát triển, xã sẽ kết hợp với Phòng NN và PTNT huyện và các cơ quan chức năng nghiên cứu phát triển thêm những đối tượng nuôi mới có giá trị, giảm thiểu tình hình dịch bệnh, tiêu hao thức ăn ít, lớn nhanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. UBND xã cũng chỉ đạo Ban Nông nghiệp thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến, giúp các hộ nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh cho con nuôi. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các hộ nuôi liên kết, tạo vùng sản xuất tập trung nuôi thủy sản nước ngọt kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm để có khối lượng hàng hóa lớn, thuận lợi tiêu thụ.