Nghề đánh bắt cá biển của Sierra Leone đang gặp phải những vấn đề bao gồm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), đánh bắt quá mức bằng tàu công nghiệp và sử dụng các phương tiện không đáp ứng tính bền vững.
Các khu vực ven biển cũng gặp phải khó khăn khi trữ lượng cá biển suy giảm khiến việc tìm kiếm nguồn bổ sung thay thế là điều bắt buộc. Một chiến lược tiềm năng đầy hứa hẹn là nuôi trồng thủy sản trong đất liền. Nhưng những nỗ lực thành lập các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản thương mại nội địa để giúp giảm áp lực lên nguồn cá đánh bắt không phải lúc nào cũng thành công.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nuôi trồng thủy sản nội địa có triển vọng thành công lớn hơn nếu nó tập trung vào phúc lợi xã hội - tức là giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực và nghèo đói ở các cộng đồng ngư dân ven biển, đặc biệt là những cộng đồng đang phải chịu áp lực đánh bắt cá biển ngày càng tăng và không bền vững. Rất ít nghiên cứu được thực hiện về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở Sierra Leone. Điều này đặt ra một vấn đề quan trọng rằng sự phát triển của nuôi trồng thủy sản nội địa ở Sierra Leone chủ yếu được thúc đẩy bởi các cơ quan nước ngoài thông qua chương trình nghị sự của các nhà tài trợ quốc tế chứ không phải bởi các sáng kiến bản địa. Các yếu tố khác đã cản trở sự phát triển thương mại của nuôi trồng thủy sản bao gồm tài chính, pháp lý, chính trị, môi trường, hậu cần, giáo dục và cơ sở, thiếu bí quyết kỹ thuật, thức ăn và con giống chất lượng thấp, đầu vào lao động kém, điều kiện môi trường thay đổi (ví dụ: hạn hán) và thiết bị ao cá đắt tiền.
Tại Sierra Leone, nơi nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ thương mại còn sơ khai. Ảnh CGIAR
Nghiên cứu này là một trong số ít nghiên cứu nhằm mục đích khám phá về những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nuôi trồng thủy sản nội địa ở các vùng ven biển các nước châu Phi cận Sahara như Sierra Leone. Để đạt được điều này, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu nhận thức của cư dân ở hai cộng đồng ven biển Tombo và Goderich về nuôi trồng thủy sản trong đất liền, đặc biệt tập trung vào mức độ mà họ đánh giá cao sự đóng góp của nó đối với sinh kế của họ và mức độ sẵn sàng áp dụng nó.
Thông tin thu được từ cuộc khảo sát xác định bốn vấn đề chính như sau. Đầu tiên, người dân được hỏi chưa hiểu rõ về khái niệm nuôi trồng thủy sản. Rất ít ngư dân địa phương quen với nuôi trồng thủy sản nội địa và những lợi ích tiềm năng của nó. Phát hiện này cho thấy rằng cần phải tuyên truyền hiệu quả cho công chúng về bản chất của các hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Thứ hai, những người được hỏi thường coi nuôi trồng thủy sản là một hoạt động thiết thực để xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực hơn là phương tiện tạo ra của cải thông qua xuất khẩu cá nuôi, đồng thời gặp phải những vấn đề về quyền sử dụng đất (ví dụ, phụ nữ không được quyền sở hữu đất đai). Thêm vào đó, một số người được hỏi không tin tưởng về sự cần thiết phải chuyển từ đánh bắt hải sản sang nuôi trồng thủy sản, vì họ cho rằng không có sự suy giảm về trữ lượng cá.
Thứ ba, quan điểm của nhiều ngư dân cho thấy họ sẵn sàng tham gia vào hoạt động nuôi trồng thủy sản có điều kiện vì đây chỉ là một hoạt động bổ sung, không phải là một giải pháp thay thế cho đánh bắt vì lựa chọn đánh bắt dễ dàng hơn và tốn ít kinh phí để mua/thuê đất và thiết bị cần thiết.
Thứ tư, khả năng thành công của các dự án nuôi trồng thủy sản nội địa, cho dù toàn thời gian hay bán thời gian, được coi là phụ thuộc vào ba yếu tố quan trọng:
1) Sự hỗ trợ và quy định của chính phủ
2) Giáo dục và đào tạo
3) Cải cách luật sở hữu đất đai.
Với sự hỗ trợ và quy định của chính phủ, nếu các cộng đồng như Tombo và Goderich muốn nuôi trồng thủy sản trong đất liền, chính phủ phải chuẩn bị cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc thành lập cũng như cung cấp các cơ chế tài chính phù hợp để cho phép những người nuôi cá thuê hoặc mua đất và có được thiết bị, vốn, giống và thức ăn cho cá.
Nhìn chung, những phát hiện này cho thấy rằng, câu hỏi được đặt ra thực sự đối với chính phủ là kết hợp nuôi trồng và đánh bắt thủy sản với nhau trong mối quan hệ cộng sinh hoặc bổ sung hay nói cách khác việc nuôi trồng thủy sản trong đất liền có thể phát triển hơn nếu được giới thiệu cho ngư dân địa phương như một hoạt động sinh kế bổ sung chứ không phải là một nghề thay thế cho đánh bắt hải sản. Nghiên cứu này củng cố tầm quan trọng của việc tìm hiểu văn hóa, giá trị và sở thích của ngư dân địa phương trước khi giới thiệu một hoạt động sinh kế mới.