1. Khắc phục “thẻ vàng” IUU
Năm 2017, EU ra cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam XK sang thị trường này vì những nỗ lực chưa đủ đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Việc nhận thẻ vàng của EU đã gây ra nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp tới việc XK hải sản sang EU. Luật Thủy sản mới đã được ban hành ngày 21/11/2017 đảm bảo tương thích với các quy định, thông lệ quốc tế và khuyến nghị của EC. Năm 2018, với quyết tâm chống khai thác IUU Chính phủ đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, đồng thời hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản với 2 Nghị định, 8 Thông tư, 1 Quyết định; Triển khai các giải pháp cụ thể tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, triển khai các quy định chống khai thác IUU; Tăng cường trao đổi, đối thoại và đẩy mạnh đàm phán hợp tác quốc tế về chống khai thác IUU.
Trong năm 2018, VASEP cùng với cộng đồng DN luôn đồng hành và chung tay cùng Bộ NN và PTNT và TCTS, tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính. Sau đợt thanh tra vào tháng 5/2018 của EC và đặc biệt sau chuyến đi thực tế tại một số tỉnh ven biển Việt Nam từ 29/10 – 4/11/2018, các thành viên Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu (MEPs) đã đưa Thông cáo báo chí đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU. Và tại thông cáo này, MEPs cũng dành lời khen cho Sách trắng chống IUU của VASEP.
2. Kết quả cuối cùng POR 12, thuế chống bán phá giá với tôm giảm
Ngày 10/9/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017), mức thuế cuối cùng cho các công ty XK tôm Việt Nam là 4,58%, mức thuế này đã thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà DOC Hoa Kỳ thông báo ngày 8/3/2018. Kết quả này cũng tốt hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11. Kết quả khả quan này giúp các DN tôm Việt Nam yên tâm đẩy mạnh bán hàng vào thị trường Mỹ trong thời gian tới, nhất là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà NK Mỹ phục vụ cho các dịp lễ Tết cuối năm.
3. Giá cá tra nguyên liệu tăng cao kỷ lục trong 10 năm qua
Chưa năm nào giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL lại tăng cao kỷ lục như năm 2018. Đỉnh điểm vào cuối tháng 10/2018, giá trung bình cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã lên mức cao kỷ lục 35.000 - 36.500 đồng/kg. Nhiều DN XK cá tra thiếu nguyên liệu trầm trọng cho chế biến, trễ đơn hàng hoặc buộc phải hủy nhiều đơn hàng. Giá cá nguyên liệu tăng quá nhanh đẩy giá XK tăng theo.
Ngay từ đầu năm 2018, toàn vùng ĐBSCL thiếu hụt con giống trầm trọng do việc ương nuôi cá giống gặp khó khăn dẫn đến nguồn cung không đủ. Việc thiếu nguồn cá giống sẽ dẫn đến thiếu cá nguyên liệu. Điều này dẫn tới việc các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp không có vùng nuôi đang phải đối mặt với tình trạng khan hàng trầm trọng. Hơn nữa, vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của DN không còn nhiều nên các doanh nghiệp buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua được cá. Giá cá tra nguyên liệu tăng kéo theo giá XK tăng tại nhiều thị trường, tuy nhiên, tại thị trường Mỹ, cá tra gặp bất lợi khi giá tăng đột biến do bị cạnh tranh gay gắt hơn với sản phẩm cá rô phi và cá thịt trắng khác.
4. Cá tra Việt Nam chờ công nhận tương đương trong Chương trình thanh tra cá da trơn
Ngày 23/2/2018, USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã công bố Việt Nam hoàn tất và đạt tính tương đồng về mặt hồ sơ theo Đạo luật Thanh tra Cá da trơn của Mỹ. Tính tới cuối tháng 3/2018, Cơ quan thẩm quyền Việt Nam là Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã hoàn tất việc gửi hồ sơ tự đánh giá cho quy trình đánh giá tương đương của Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ. Từ ngày 13 - 26/5/2018, đoàn của USDA đã tiến hành đánh giá toàn bộ các cơ sở kiểm nghiệm, việc kiểm soát ATTP của cơ quan thẩm quyền Việt Nam (NAFIQAD), kiểm tra điều kiện nuôi và SX của DN XK. Ngày 14/9/2018, FSIS đã đề xuất với Văn phòng Đăng ký liên bang (Federal Register) đăng bản Dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cho tới hết năm 2018, các DN XK cá tra sang Mỹ vẫn chưa có thông tin về việc Mỹ công nhận chính thức công nhận Việt Nam đủ điều kiều XK sản phẩm cá và cá Siluriformes vào thị trường này.
5. Xuất khẩu thủy sản ước đạt 9 tỷ USD
Dự kiến XK thủy sản năm 2018 ước đạt gần 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó, XK tôm ước đạt khoảng 3,5 tỷ USD; XK hải sản đạt khoảng 3,15 tỷ USD và XK cá tra đạt khoảng 2,25 tỷ USD. Năm 2018, thủy sản Việt Nam đã XK đi khoảng 160 quốc gia và lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Trong đó, Mỹ, EU, Nhật Bản; Trung Quốc - Hồng Kông và Hàn Quốc là 5 thị trường XK lớn nhất. Dự kiến, trong năm qua, giá trị XK thủy sản sang 3 thị trường là: Mỹ; EU và Nhật Bản đều cán mốc trên 1,3 tỷ USD.