1. Một số bệnh thường gặp khi nuôi lươn không bùn
Lươn ở giai đoạn giống thường nhiễm bệnh vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng đơn bào, đỉa, môi trường; Giai đoạn nuôi thương phẩm thường nhiễm bệnh giun sán, bệnh nhiễm khuẩn (xem bảng 1)
Bảng 1: Một số bệnh của lươn nuôi (theo Bùi Quang Tề, 2001, 2008)
TT | Bệnh | Lươn hương | Lươn giống | Lươn thịt |
1 | Bệnh xuất huyết do nhiễm khuẩn Aeromonas spp; Pseudomonas sp | + | ++ | ++ |
2 | Bệnh nấm thủy my Achlya sp và Saprolegnia sp | ++ | ++ | ++ |
3 | Bệnh trùng bánh xe Trichodina spp | +++ | ++ | |
4 | Bệnh sán dây Polyonchobothrium ophiocephalina | +++ | ||
5 | Bệnh sán lá song chủ Clinostomum complanatum | ++ | ||
6 | Bệnh giun tròn Pseudoproleptus lamyi | +++ | ||
7 | Bệnh giun đầu gai Pallisentis celatus | ++ | ||
8 | Bệnh đỉa- Piscicola sp | + | ++ | |
9 | Bệnh sốt nóng do mật dày, nhiệt độ cao | + | ++ | ++ |
1.1. Bệnh xuất huyết (đốm đỏ) trên lươn
Tác nhân gây bệnh: Vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra. Bệnh phát sinh do nuôi mật độ quá dày, nước nuôi ìt được thay nên bị ô nhiễm.
Vi khuẩn Pseudomonas spp gây ra, thường liên quan đến các stress, các thương tổn do tác nhân cơ học, nuôi với mật độ quá cao, hàm lượng oxy trong bể nuôi thấp.
Dấu hiệu bệnh lý: Thân lươn xuất hiện nhiều lở loét hình tròn, hoặc bầu dục. Bơi lội khó khăn. Nổi đầu lên khỏi mặt nước. Phần đuôi bị viêm, sung huyết và hoại tử, xoangbụng chứa dịch, nội tạng hoại tử, rụng đuôi.
Vi khuẩn Pseudomonas spp xâm nhập vào cơ thể sẽ phá hủy gan và bào mỏng thành mạch máu.
Hình 1: Vi khuẩn trong gan lươn
Hình 2: Lươn bị bệnh xuất huyết
1.2. Bệnh trên lươn do nấm thủy my
Tác nhân gây bệnh: Nấm Achlya sp, Saprolegnia sp. nhiễm vào lươn qua các vết thương.
Dấu hiệu bệnh lý: Trên da lươn xuất hiện những vùng trắng xám, có những sợi nấm nhỏ nhìn trong nước giống như sợi bông trên thân. Bệnh xuất hiện khi nuôi với mật độ dày, lươn bị sây sát, nước nuôi ít thay và bị ô nhiễm.
Hình 3: Nấm thủy my gây bệnh trên lươn
Hình 4: Lươn bị bệnh nấm (A- đầu lươn bị nấm phát triển; B- vết nấm trên thân lươn; nấm thủy my phát triển trên than lươn)
1.3. Bệnh trên lươn do ký sinh đơn bào
Tác nhân gây bệnh: Trùng bánh xe (Trichodina spp)
Dấu hiệu bệnh lý: Da mang lươn sinh nhiều nhớt, lươn cảm thấy ngứa ngáy
1.4. Bệnh trên lươn do giun sán
Tác nhân gây bệnh: Sán dây (Polyonchobothrium ophiocephalina), sán lá song chủ (Clinostomum complanatum), giun tròn (Pseudoproleptus lamyi), giun đầu gai (Pallisentis celatus). Tỷ lệ nhiêm một số giun sán cao lấy dinh dưỡng của lươn gây cho lươn chậm lớn (sinh trưởng chậm).
Hình 5: Sán dây- Polyonchobothrium ophiocephalina
Hình 6: Sán lá song chủ Clinostomum. Hình 7: Giun tròn Pseudoproleptus. Hình 8: Giun đầu gai Pallisentis
Dấu hiệu bệnh lý: Lươn yếu, nếu ký sinh nhiều sẽ làm hậu môn sưng đỏ, chết từ từ. Giun sán có màu trắng, dài khoảng 1cm, đầu bám vào niêm mạc phá hoại mô, hình thành bào nang gây viêm ruột sưng đỏ
1.5. Bệnh trên lươn do đỉa
Tác nhân gây bệnh: Đỉa (Piscicola sp) chiều dài 6-12mm, chiều rộng 1,5-3,0mm.
Hình 9: Đỉa (Piscicola sp) ký sinh trên lươn
Dấu hiệu bệnh lý: Trên thân có vết thương, lươn yếu, kém ăn, hoạt động chậm chạp. Đỉa bám vào thân lươn và hút máu, các vết bị thương làm vi khuẩn, nấm xâm nhập gây viêm nhiễm.
Hình 10: Đỉa (Piscicola sp) ký sinh trên thân lươn
1.6. Bệnh trên lươn do môi trường
Lươn nuôi với mật độ dày trong điều kiện nước nhiều chất thải và thức ăn thừa gây thiếu ôxy nghiêm trọng; mức nước trong bể thấp hoặc bể nuôi không được làm mát khiến nhiệt độ nước tăng cao... Các yếu tố bất lợi trên khiến lươn tiết nhiều nhớt. Độ nhớt của nước tăng lên, đầu lươn sưng to, chết hàng loạt.
Để phòng bệnh, cách duy nhất là chọn mua giống có nguồn gốc rõ ràng, thả nuôi với mật độ vừa phải, thường xuyên vệ sinh ao bể nuôi lươn.
2. Phòng trị bệnh trên lươn nuôi
Lươn có sức đề kháng khá cao, trong điều kiện sinh thái tự nhiên lươn ít khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên trong điều kiện nuôi nhân tạo, lươn mắc bệnh rất nhiều do quá trình nuôi không quản lý tốt các khâu nuôi mật độ quá cao, thức ăn không hợp lý, điều kiện môi trường không tốt, chất nước thối bẩn… làm cho lươn giảm sức đề kháng và nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng và tỷ lệ sống. Vì vậy trong khi nuôi lươn thịt, công tác công tác phòng bệnh phải đặt lên hàng đầu.
- Không nuôi những lươn bị thương, bị mồi thuốc: chủ yếu tìm hiểu kiểm tra, trong khâu bắt con giống tự nhiên, người đánh bắt không sử dụng các dụng cụ dễ làm lươn bị thương như câu làm cho lươn dễ rách xoang miệng, hầu và cổ họng và dễ bị nhiễm trùng, tuyệt đối không nuôi lươn giống bị rà điện và mồi nhử thuốc.
- Nuôi mật độ hợp lý, không thả nuôi mật độ quá cao
- Cần phải khử trùng lươn giống, thức ăn và dụng cụ nuôi lươn:
+ Trước khi thả giống, tắm cho lươn bằng thuốc tím 20ppm 15-20 phút hoặc nước muối 3% trong 5-10 phút.
+ Thức ăn phải được làm sạch và nấu chín
+ Thường xuyên rửa sạch sàn ăn, khủ trùng dụng cụ nuôi lươn
+ Kịp thời dọn sạch thức ăn dư thừa
- Theo dõi chặt chẽ hàng ngày tình hình ăn của lươn, mức độ bắt mồi, dọn sạch thức ăn dư thừa, thức đầy đủ và sạch, không bị hư hoặc ôi thiu.
- Thường xuyên theo dõi thời tiết, kiểm tra nhiệt độ, chất lượng nước, đảm bảo nước nuôi sạch.
- Phát hiện kịp thời lươn có dấu hiệu bệnh hoặc biểu hiện bất thường hay nổi đầu để kịp thời xử lí và chữa trị.
2.1. Phòng bệnh ngoại ký sinh cho lươn nuôi
Sử dụng một số hoá chất sau đây để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh ngoại ký sinh cho cá nuôi.
a. Povidine 9000 (Iodine 90%)
- Định kỳ 10-15 ngày phun 1 lần với liều lượng 0.3- 0,5ml/m3 nước,
b. Viên sủi khử trùng VICATO (TCCA) phòng bệnh vi khuẩn, nấm và ký sinh đơn bào
- Định kỳ10-15 ngày phun 1 lần với liều lượng 0,3-0,5g/m3 nước,.
c. Sulphat đồng (CuSO4) phòng bệnh ký sinh đơn bào
- Liều lượng sử dụng là 0,5 g/1 m3 nước, mỗi tuần phun 2 lần.
d. Thuốc tím (KMnO4) phòng bệnh vi khuẩn, nấm và ký sinh đơn bào
- Định kỳ 7-10 ngày phun 1 lần với liều lượng 0,5g/m3 nước
2.2. Cho lươn ăn thuốc phòng bệnh nội ký sinh
Sử dụng một số loại thuốc sau đây trộn lẫn với thức ăn cho lươn ăn để phòng bệnh nội ký sinh (bệnh nhiễm khuẩn máu, bệnh giun sán).
a. Thuốc KN-04-12
- Thuốc KN-04-12 được phối chế từ những cây thuốc có tác dụng diệt khuẩn.
- Cho lươn ăn 2 đợt thuốc KN-04-12. Mỗi đợt cho ăn 3 ngày liên tục, liều lượng 2-4g/kg lươn/ngày.
- Ở miền Bắc cho lươn ăn vào tháng 3-5 và tháng 8-10; ở miền Nam tháng 2-7. Đó là mùa xuất hiện bệnh nhiễm khuẩn máu (đốm đỏ, viêm ruột...).
b. Thuốc EKVARIN
- Thành phần thuốc gồm 10% tinh dầu thực vật sản xuất bằng công nghệ nano.Chuyên trị các bệnh nhiễm khuẩn: viêm ruột, xuất huyết và đốm trắng gan thận của cá nuôi thâm canh.
- Cách dùng: Tắm 20- 50ml/m3 (0,02-0,05ml/lít)/1 giờ hoặc ngâm 2-5ml/m3 (0,002-0,005ml/lít) nước; Hoặc Trộn 5,0ml thuốc/kg thức ăn, cho 50 kg lươn ăn/ngày.
- Phòng bệnh: Hàng tháng cho lươn ăn một đợt 3 ngày liên tục; hoặc ngâm cho lươn 1 đợt.
- Chữa bệnh: Cho lươn ăn liên tục từ 6-10 ngày cho đến khi khỏi bệnh.
2.3. Bệnh nấm thủy mi
Dùng thuốc kháng nấm ANTIFU, Tắm cho lườn liều ượng 40-60ml/m3, thời gian 30 phút; hoặc ngâm cho lươn, liều lượng 4-6ml/m3 nước, thời gian 24 giờ.
2.4. Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi
a. Vitamin C
- Vào những mùa xuất hiện bệnh nhiễm khuẩn máu trộn thêm vitamin C vào thức ăn cho lươn ăn hàng ngày.
- Liều lượng sử dụng là 50-60 mg/kg lươn/ngày.
b. Men vi sinh Enzym BFS
- Liều lượng sử dụng trộn 3-5ml/kg thức ăn lươn, cho lươn ăn trong suốt vụ nuôi.
c. Men vi sinh HI
- Lactic Là một chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp ở dạng bột, dùng để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột.
- Liều lượng sử dụng trộn 3-5g/kg thức ăn lươn, cho lươn ăn trong suốt vụ nuôi.
d. Men vi sinh- Bio Probiotic
- Liều lượng sử dụng trộn 3-5g/kg thức ăn lươn, cho lươn ăn trong suốt vụ nuôi.