Theo Cơ quan Phát triển Xuất khẩu hải sản (MPEDA), XK thủy sản của Ấn Độ năm 2013-2014 đạt trên 1 triệu tấn với trị giá 4,5 tỷ USD.
MPEDA hiện đang hướng tới mục tiêu đến năm 2020 XK thủy sản đạt 10 tỷ USD.
XK tôm của Ấn Độ chiếm 77,68% tổng giá trị XK, trong đó XK tôm nuôi có mức tăng trưởng 32,55% về khối lượng.
Theo số liệu MPEDA, XK tôm thẻ trắng tăng mạnh, lên 134.372 tấn năm 2013-2014 so với 69.565 tấn năm trước, giá trị XK cũng tăng từ 540,76 triệu USD lên 1,47 tỷ USD.
Ấn Độ có thể thực hiện được mục tiêu do hai yếu tố chính sau, sản xuất và XK tôm từ các nước Đông Nam Á giảm mạnh và mức thuế chống trợ cấp (còn gọi là thuế đối kháng – CVD) đối với tôm của Ấn Độ NK vào Mỹ giảm.
Washington đã giảm thuế CVD của Ấn Độ xuống mức 0% cuối tháng 9/2015. Trước đó, Mỹ đã áp đặt mức thuế này là 5,85% đối với tôm NK từ Ấn Độ và điều này ảnh hưởng lớn đến XK của nước này trong những năm qua.
Sản xuất ở các nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng tiêu cực do hội chứng tử vong sớm (EMS). Nguồn cung từ Thái Lan, nước sản xuất tôm lớn thứ hai trên thế giới, giảm khoảng 50% so với sản lượng bình quân khoảng 500.000 tấn/năm. Tương tự như vậy, các nước sản xuất chính khác như Việt Nam và Malaysia cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ấn Độ cũng tăng cường XK sang các nước Đông Nam Á. Các nhà máy chế biến ở các nước Đông Á phụ thuộc khá nhiều vào nguồn NK từ Ấn Độ để đáp ứng các đơn hàng với các nhà NK châu Âu và Mỹ.
Năm 2015, Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan tăng NK các lô hàng từ Ấn Độ, chủ yếu phục vụ cho chế biến XK.
Mức lan truyền của EMS cũng khiến giá tôm trên toàn thế giới tăng, và điều này cũng góp phần gia tăng đáng kể trong giá trị XK của Ấn Độ.
Mỹ là thị trường NK tôm lớn nhất của Ấn Độ tính theo đồng USD, với tỷ trọng NK khoảng 51,24% tổng kim ngạch XK tôm của Ấn Độ. Tiếp đến là các nước Đông Nam Á với tỷ trọng 16,10%, thị trường EU (15,82%) và Nhật Bản (4,94%).
Ngoài ra, sản xuất tôm thẻ chân trắng, tôm sú và XK các mặt hàng tôm ướp lạnh tăng cũng góp phần lớn vào kim ngạch XK của Ấn Độ.