Tôm bơm tạp chất hoành hành dịp cuối năm
Chỉ trong một tuần gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu liên tiếp bắt các vụ vận chuyển tôm có bơm chích tạp chất không đảm bảo an toàn chất lượng.
Theo đó, chiều 24-12, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra xe tải của tài xế Nguyễn Thanh H. (ngụ tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) mang biển kiểm soát (BKS) 94C-042.92 đi trên tuyến quốc lộ 1A hướng từ Bạc Liêu đi Cà Mau. Tại đây lực lượng chức năng đã phát hiện số tôm đựng trong các thùng xốp có chứa tạp chất CMC, một loại phụ gia tạo đặc, tạo nhớt.
Khai nhận với cơ quan công an, tài xế H. cho biết đang chở số tôm trên để đi bán cho các công ty, xí nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hiện cơ quan chức năng đang tạm giữ số hàng hóa trên để tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó không lâu, lực lượng chức năng tỉnh này cũng thu giữ gần 400 kg tôm nguyên liệu có tạp chất là agar (rau câu) và CMC đang đường đi tiêu thụ. Số hàng hóa trên do ông Nguyễn So Đ. (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) điều khiển trên xe tải mang BKS 69C-039.86, chạy hướng từ Cà Mau đi Bạc Liêu.
CMC, agar có nguy hiểm cho người dùng
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay agar (bột rau câu) là loại bột có thể ăn được, do đó nếu ăn tôm có bơm ít tạp chất này thì chúng ta cũng không cần thiết phải quá lo lắng.
"Tuy nhiên, đây là hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi cho cá nhân, cần phải lên án và xử lý nặng" - vị chuyên gia bày tỏ.
Mặc dù vậy PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cũng lo ngại việc ăn tôm bơm tạp chất về lâu dài có thể gây ra nguy hại cho đường tiêu hóa như ngộ độc thực phẩm hoặc tích tụ chất bẩn trong người và gây các bệnh mãn tính.
Một chuyên gia khác cũng lo ngại khi thủy hải sản có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển và gây bệnh cho con người khi ăn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia thực phẩm cũng thông tin chất CMC, là chế phẩm ở dạng bột trắng - hơi vàng, hầu như không có mùi hạt hút ẩm. Chúng có thể đông khối và có sức kết nối lớn với ẩm độ cao (98%), đồng thời tạo độ nhớt nên rất thích hợp bơm vào tôm tạo "thịt giả", giúp tăng trọng lượng.
Theo một kỹ sư hóa, trên thực tế CMC dùng cho thực phẩm hoàn toàn không gây tác hại và cũng không bổ dưỡng gì. Tuy nhiên, điều đáng lo là CMC dạng dùng trong công nghiệp bởi chúng có thể chứa hàm lượng kim loại cao.
"Nếu dùng CMC công nghiệp bơm vào tôm thì rất nguy hiểm cho người sử dụng" - vị này chia sẻ.
Do đó, để đảm bảo an toàn khi sử dụng, các chuyên gia thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm còn sống. Ngoài ra khi mua tôm động lạnh, cần chú ý các chi tiết như đầu, thân, đuôi tôm. Đơn cử như kéo phần thân và phần đầu tôm ra xem, nếu nối chắc chắn thì là tôm không bơm tạp chất và ngược lại.