Vài năm trước, các nhà khoa học tại UH phát hiện ra rằng trong thịt của các loài cá săn mồi sâu dưới đại dương như cá mặt trăng hay cá kiếm có hàm lượng thủy ngân cao hơn so với cá nục heo và cá ngừ vây vàng thường sống gần mặt nước. "Chúng tôi nhận thấy điều này nhưng không thể lý giải được nguyên nhân" - Giáo sư Brian Popp của UH cho biết.
Gần đây, dựa trên phát hiện của Đại học Michigan cho rằng các phản ứng hóa học dưới tác động của ánh nắng phá hủy đến 80% chất monomethylmercury (CH3Hg+) độc hại trên tầng nước mặt, các nhà khoa học mới tập trung nghiên cứu ở 9 loài cá, gồm 6 loài săn mồi và 3 loài là con mồi. Họ phát hiện tác hại của CH3Hg+ (được tạo thành sau quá trình phân hủy thủy ngân vô cơ tương đối vô hại thải ra từ khói bụi công nghiệp) có thể tăng dần khi nó đi qua chuỗi thức ăn.
Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học kết luận con người phơi nhiễm thủy ngân chủ yếu là qua việc tiêu thụ những loài cá biển lớn, như cá kiếm và cá ngừ. Được biết, phơi nhiễm thủy ngân gây tổn hại cho hệ thống thần kinh trung ương, hệ tuần hoàn và hệ miễn dịch.