Anh NK trung bình khoảng 900 triệu USD tôm mỗi năm. Trong 10 năm (2008-2017), NK tôm của Anh giai đoạn từ 2014 đến nay tăng mạnh hơn giai đoạn từ 2014 trở về trước.
Ba tháng đầu năm nay, NK tôm của Anh đạt 196,3 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Anh, chiếm 24% tổng giá trị NK tôm của Anh. Ấn Độ đứng thứ hai chiếm 17%. Trong số các nguồn cung tôm chính cho thị trường này, NK tôm của Anh từ Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan tăng lần lượt 61%, 26%, 36% trong khi NK từ Bangladesh và Indonesia giảm lần lượt 53% và 35%, NK tôm nước lạnh từ Canada vào Anh cũng giảm 3%. Ba tháng đầu năm nay, giá NK trung bình tôm từ Việt Nam sang Anh khá cạnh tranh so với các nguồn cung khác như Bangladesh, Thái Lan.
Trong khối EU, Anh là thị trường NK tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Hà Lan, chiếm 31% tổng XK tôm của Việt Nam sang EU và chiếm 5,6% tổng XK tôm Việt Nam đi tất cả các thị trường. Năm 2017, XK tôm Việt Nam sang Anh đạt 210,6 triệu USD, tăng 55,5% so với năm 2016. Ba tháng đầu năm 2018, XK tôm Việt Nam sang Anh đạt 41,4 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 3 năm trở lại đây, XK tôm Việt Nam sang Anh tăng trưởng liên tục từ 114,6 triệu USD năm 2014 lên 210,6 triệu USD năm 2017, tăng gần 84%. XK tôm Việt Nam sang Anh có xu hướng ngày càng tăng do Anh đẩy mạnh NK tôm nước ấm nhờ giá phải chăng để thay thế cho tôm nước lạnh. Giá tôm nước lạnh ngày càng tăng do các nước khai thác liên tục cắt giảm hạn ngạch khiến sản lượng sụt giảm.
Có thể nói, Anh là một thị trường đáng lưu tâm của DN XK tôm Việt Nam trong khối EU vì DN XK sang thị trường này được hưởng ưu đãi về thuế GSP giống như quy định chung trong XK sang EU. Anh là thị trường có mức sống cao nên người tiêu dùng nước này không chỉ lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, tiện lợi mà còn chú ý đến tiêu chí bền vững của sản phẩm. DN nên lưu ý tiêu chí này để đẩy mạnh XK sang thị trường này.