Đó là các trang trại của các Công ty cổ phần Cổ Chiên, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Năm Vàng, Công ty cổ phần Nam sông Hậu ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn với tổng diện tích thả nuôi trên 36,7 ha. Bộ tiêu chuẩn PAD (Pangasius Aquaculture Dialogue) hay “đối thoại nuôi cá tra” được quản lý bởi Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC: Aquaculture Stewardship Counetl). ASC được thành lập vào năm 2010 do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) với mục đích cải thiện các vấn đề môi trường và xã hội liên quan đến hoạt động nuôi cá tra.
Khi sản xuất theo tiêu chuẩn ASC, các doanh nghiệp sẽ thay đổi được tập quán sản xuất, người nuôi cá tra được hỗ trợ thực hành áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao ý thức người nuôi về con giống tốt, có thói quen sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý tốt môi trường, sử dụng vitamin, premix trong thức ăn để tăng kháng thể hạn chế dịch bệnh, hạn chế sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật.
Các cơ sở nuôi cá tra tổ chức sản xuất khoa học, ghi chép sổ sách, lưu trữ hồ sơ đầy đủ làm cơ sở cho việc truy nguyên nguồn gốc. Quan trọng hơn là khi áp dụng tiêu chuẩn ASC việc nuôi cá tra sẽ có sự giám sát của cộng đồng dân cư quanh vùng nuôi, nâng cao trách nhiệm xã hội của cơ sở, doanh nghiệp với cộng đồng và trách nhiệm về điều kiện làm việc cho người lao động.
Hiện nay tại Vĩnh Long có 239 cơ sở nuôi cá tra thâm canh, trong đó có 58 công ty và 192 hộ gia đình. Năm 2014 tỉnh sẽ nỗ lực tháo gỡ các khó khăn (về vốn, thị trường, chất lượng con giống, hạ tầng vùng nuôi...), ổn định 430 ha diện tích mặt nước thả nuôi cá tra thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, phấn đấu để đạt sản lượng cá tra 100.000 tấn vào cuối năm nay./.