Tại hội thảo “Các thách thức pháp lý mới cho việc xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ” được tổ chức nhân sự kiện Hội chợ nông sản xuất khẩu Việt Nam 2013, luật sư Jonathan Freed của hãng luật Trade Pacific PLLC, Mỹ cho biết Mỹ là thị trường khá nhạy cảm, nếu như nhìn lại hàng lọat vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Freed, bằng cách trả lời những câu hỏi sau đây, doanh nghiệp có thể hình dung ra nguy cơ và từ đó tìm các biện pháp ứng phó. Đó là tìm hiểu xem công ty nào ở Mỹ đang sản xuất mặt hàng tương tự. Ví dụ mặt hàng xuất khẩu cà phê, ca cao của Việt Nam vào Mỹ cơ hội bị điều tra là rấp thấp vì hầu như không có doanh nghiệp Mỹ sản xuất mặt hàng này. Còn nếu doanh nghiệp phát hiện có đối thủ thì cần phải tìm hiểu thêm.
Vấn đề tiếp theo doanh nghiệp cần phải tìm hiểu là các số liệu thương mại, ví dụ mặt hàng mình đang xuất khẩu vào Mỹ có đang ở “ngưỡng” mà doanh nghiệp Mỹ có thể khởi kiện điều tra hay không.
Đại diện công ty luật Trade Pacific cũng dẫn số liệu do Hải quan Mỹ cung cấp về tỷ trọng gạo nhập khẩu vào thị trường Mỹ trong năm 2012. Việt Nam chiếm 10%, đứng sau Thái Lan 60% và Ấn Độ 20%. Ông Freed cho biết, Mỹ cũng là quốc gia sản xuất lúa gạo, chỉ cần lượng nhập khẩu từ một quốc gia chiếm thị phần 3% trở lên đã có thể trở thành đối tượng của một cuộc điều tra.
Các công cụ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp được chính phủ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ sử dụng để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Nếu doanh nghiệp chẳng may bị “vướng” vào vụ kiện chống bán phá giá, việc tham vấn, trao đổi với luật sư, các hiệp hội thương mại, xác định phạm vi điều tra, trao đổi với nhà nhập khẩu để có thông tin … là hết sức cần thiết.
Còn đối với vụ kiện chống trợ cấp, các nhà xuất khẩu có liên quan cần nỗ lực trao đổi nhằm kêu gọi sự tham gia của Chính phủ.
Việc tìm hiểu kỹ trước khi tham gia xuất khẩu vào thị trường này sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế và tránh bị thiệt hại. Ông Freed cho biết mình cũng tham gia bào chữa cho các bị đơn trong vụ kiện chống trợ cấp mặt hàng tôm của 7 nước, trong đó có Việt Nam, xuất khẩu vào thị trường Mỹ vừa qua.
Ông nói, mặc dù cuối cùng quyết định của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ đã phủ nhận kết quả điều tra trước đó của Bộ Thương mại Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào đây cũng đã “kịp” ký quỹ cho hải quan Mỹ hơn 15 triệu đô la Mỹ, tương đương số tiền thuế chống trợ cấp trong giai đoạn xem xét dựa trên kết luận Chính phủ có trợ cấp cho mặt hàng này.
Doanh nghiệp Thái Lan, nước xuất khẩu tôm nhiều nhất vào Mỹ, cũng đã ký quỹ hàng chục triệu đô la Mỹ. Mặc dù số tiền ký quỹ này sau này sẽ được hoàn lại cho các doanh nghiệp nhưng thời gian sẽ kéo dài và gây phiền toái cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.