Mạnh dạn nâng cấp, cải hoán
Con tàu có công suất 90 CV, dài gần 14m của ngư dân Nguyễn Văn An (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) là kế sinh nhai của gia đình ông mấy chục năm qua. Với công suất này, tàu ông An có thể vươn tới ngư trường cách đất liền từ 50-100 hải lý để hành nghề lưới vây, như thế được coi là đánh bắt xa bờ (ĐBXB). Bây giờ, khi quy định những con tàu dưới 15m sẽ không được phép ĐBXB mà chỉ được đánh bắt ở vùng lộng, ven bờ thì tàu của ông An không đúng tiêu chuẩn.
Theo ông An, với đặc trưng khai thác, tàu cá của ông có trên 5 lao động và phải vươn khơi ở vùng mặt nước có độ sâu nhất định để đánh bắt các loại cá, do vậy nếu chuyển đổi ngư trường vào vùng lộng sẽ rất khó phù hợp. “Theo quy định, tàu của tôi không đủ chuẩn để được cấp quyền ĐBXB nên tôi đã phải bỏ số tiền khá lớn nâng cấp tàu cá”, ông An nói.
Tại xã Phú Thuận hiện có khoảng 57 tàu ĐBXB. Trường hợp khai thác ở ngư trường xa buộc phải cải hoán tàu cá như ông An có khá nhiều.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận thông tin: “Từ khi có quy định của Bộ NN&PTNT về việc cấp phép khai thác xa bờ cho tàu trên 15m, chúng tôi cũng đã tuyên truyền đến ngư dân, thực tế ngư dân đã mạnh dạn đầu tư. Trong cuộc khảo sát gần nhất của chính quyền địa phương, không có một tàu ĐBXB nào vươn khơi gặp trở ngại trong khâu thủ tục, quy định”.
Hiện nay, trên cả nước quy định về chuẩn tàu ĐBXB đang khiến nhiều ngư dân ở các tỉnh, thành băn khoăn, lo lắng. Tại Thừa Thiên Huế, khi quy định này đi vào thực tiễn thì một số tàu cá có chiều dài dưới 15m vẫn đánh bắt xa bờ.
Từ khi có quy định về chiều dài tàu cá đánh bắt xa bờ, ngư dân mạnh dạn đầu tư nâng cấp
Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá tổ dân phố Tân An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) Trần Văn Hải cho biết: “Với những tàu cá dưới 15m thì theo quy định buộc ngư dân phải nối tàu để được ĐBXB. Chúng tôi cũng đang vận động ngư dân cải hoán. Vụ cá Nam này gặp nhiều khó khăn, một số tàu cá dưới 15m vẫn ĐBXB trên 50 hải lý, có thể vào kỳ nghỉ đông, ngư dân sẽ đưa tàu lên đà sửa chữa lại cho phù hợp”.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.000 con tàu có chiều dài từ 6m trở lên. Từ khi có văn bản quy định về loại tàu ĐBXB, đơn vị này đã tuyên truyền đến ngư dân. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh và Tổng cục Thủy sản đề nghị công bố thiết bị giám sát hành trình tàu cá để dễ dàng trong việc quản lý. “Thông qua thiết bị giám sát hành trình sẽ biết được vùng đánh bắt của tàu cá, song kinh phí lắp đặt khá lớn nên toàn tỉnh chỉ 320 chiếc tàu xác định được vị trí thông qua việc nâng cấp máy VX 1700”, ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh nói.
Rà soát số lượng
Theo các cơ quan chuyên môn, việc phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác vùng khơi của Bộ NN&PTNT là chủ trương quan trọng để bảo vệ nguồn lợi hải sản đang bị khai thác quá mức. Tuy nhiên, việc này cũng khiến lượng tàu khai thác hải sản vùng khơi giảm.
Tại Thừa Thiên Huế, Bộ NN&PTNT giao 421 giấy phép khai thác vùng khơi và đến nay theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh cũng đã có tổng cộng 421 tàu ĐBXB. Điều này khiến ngư dân mong muốn đóng mới tàu cá ĐBXB lo âu.
Anh Trần Văn Me (thị trấn Thuận An) đang có dự định đóng mới thêm một con tàu có công suất lớn nhưng nhu cầu của anh đến nay vẫn chưa được chấp nhận. “Để nối nghiệp tổ tiên để lại, tôi quyết định đầu tư tàu cá ĐBXB. Tuy nhiên, thủ tục, hồ sơ của tôi vẫn chưa được chấp nhận bởi hạn ngạch tàu cá toàn tỉnh đã được lấp đầy; bây giờ phải chờ ý kiến của các cấp”, anh Me nói.
Theo nhiều ngư dân, nhu cầu cải hoán, nâng cấp hay đóng tàu công suất lớn để ĐBXB đang khá lớn. Sau khi có quy định tàu trên 15m mới được cấp quyền khai thác vùng khơi nên có khá nhiều tàu cá dưới 15m cải hoán, nâng cấp để xin được giấy phép ĐBXB.
Ông Võ Giang thông tin: “Ngoài nhu cầu trong dân, hiện đang có khoảng 7 hồ sơ chính thức đăng ký đóng mới tàu cá ĐBXB, song hạn ngạch được lấp đầy nên số hồ sơ này chưa được chấp thuận, buộc phải chờ”.
Để đáp ứng nguyện vọng của ngư dân, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã tổ chức rà soát thực tế tất cả tàu ĐBXB của ngư dân ở các địa phương. Việc rà soát nhằm kiểm tra các tàu cá có hoạt động đúng như giấy phép đăng ký hay không, mặt khác xóa bỏ hồ sơ đăng ký ĐBXB đối với những tàu cá xuống cấp không hoạt động.
“Thực tế thì nhu cầu đóng mới tàu ĐBXB hiện vẫn còn, đó là nguyện vọng chính đáng của ngư dân. Qua đợt rà soát vừa rồi, chúng tôi cũng đã xóa hồ sơ đăng ký của một số tàu không hoạt động để cấp cho người khác, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát. Chúng tôi cũng đã đề xuất với cấp trên nhằm tăng hạn ngạch giấy phép khai thác vùng khơi ở Thừa Thiên Huế thêm 79 chiếc tàu ĐBXB”, ông Giang cho hay.