Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số cho sản phẩm con ngán Quảng Ninh. Theo đó, chỉ dẫn địa lý con ngán trên địa bàn tỉnh, bao gồm các xã: Đồng Rui, Đông Hải, Đông Ngũ, Tiên Lãng, Hải Lạng (Tiên Yên); Đầm Hà, Đại Bình, Tân Bình, Tân Lập (Đầm Hà); Đài Xuyên, Vạn Yên (Vân Đồn); Hoàng Tân, Liên Hòa và phường Hà An (Quảng Yên); Tiến Tới, Cái Chiên, Quảng Phong (Hải Hà). Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là cơ sở pháp lý ban đầu giúp các hộ dân nâng cao ý thức trách nhiệm khai thác, bảo tồn và xây dựng thương hiệu con ngán một cách hiệu quả.
1 năm sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, UBND tỉnh đã giao Viện Tài nguyên và Môi trường biển triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống ngán Austriella corrugata Deshayes, phù hợp với điều kiện sinh thái tại tỉnh Quảng Ninh”. Năm 2016, tỉnh tiếp tục giao Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ “Bảo tồn nguồn gen ngán Austriella corrugata trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Kinh phí hỗ trợ triển khai 2 nhiệm vụ hơn 2,8 tỷ đồng, mục tiêu chính là: Bảo tồn thành công nguồn gen ngán, xây dựng được quy trình sản xuất giống ngán để chủ động nguồn giống cung cấp cho người nuôi trồng thủy sản, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát triển nguồn gen quý này.
Bà Nguyễn Thị Ngát, xã Liên Hòa, TX Quảng Yên - một trong những hộ tham gia thử nghiệm ương ngán giống và nuôi ngán thịt thuộc nhiệm vụ “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống ngán Austriella corrugata Deshayes, phù hợp với điều kiện sinh thái tại tỉnh Quảng Ninh” cho biết: Trước đây, tôi đã nuôi thử ngán với số lượng nhỏ, từ 50-100 con, nhưng thất bại. Năm 2016, gia đình tôi nhận hỗ trợ 1,8 vạn con ngán giống từ Viện Tài nguyên và Môi trường biển về nuôi thí điểm bằng 3 cách khác nhau, là: Nuôi trong lồng, nuôi bằng lưới phớt và thả nuôi rừng ngập mặn. Trong 3 cách nuôi thử, chúng tôi nhận thấy nuôi bằng lưới phớt và thả rừng ngập mặn, tỷ lệ ngán sinh trưởng, sống cao hơn so với nuôi ngán trong lồng. Sau gần 1 năm được cán bộ Viện hướng dẫn, khoanh vùng theo dõi kết quả tỷ lệ ngán sống đạt khoảng 80%.
“Tôi rất bất ngờ vì con ngán nuôi lại thích nghi sống với môi trường tự nhiên tại địa phương. Thành công từ mô hình này sẽ mở hướng đi mới giúp các hộ mạnh dạn chuyển đổi sang đầu tư nuôi con ngán. Đây là cách vừa bảo tồn con ngán biển, lại vừa phát huy hiệu quả khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng tỉnh sẽ sớm xây dựng 1 cơ sở sản xuất giống ngán tại địa phương để cung cấp con giống phục vụ thả nuôi” - bà Ngát nói.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ngát là hộ nuôi ngán thương phẩm thành công đầu tiên tại Quảng Yên.
Đối với nhiệm vụ “Bảo tồn nguồn gen ngán Austriella corrugata trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” triển khai giai đoạn 2016-2018, hiện đang được 3 hộ nuôi ngán tại Quảng Yên và Tiên Yên khoanh vùng bảo tồn, phối hợp trông coi bảo vệ với diện tích 9ha. Các mô hình này được kỳ vọng giúp con ngán sinh sản giống phát tán ra môi trường xung quanh, nâng mật độ ngán tại các bãi lưu giữ tăng ít nhất 30%. Ngoài ra, thông qua mô hình này sẽ nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen ngán tại địa phương. Dự kiến khi kết thúc nhiệm vụ, mô hình này sẽ tiến tới nhân rộng ra các địa phương khác.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc bảo tồn con ngán biển, đó là quy hoạch vùng nuôi thương phẩm ngày càng bị thu hẹp lại do trước đó các địa phương đã quy hoạch vùng nuôi thủy sản ưu tiên đối tượng nuôi (cá, tôm…).
Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của ngư dân vẫn chưa cao, đánh bắt kiểu tràn lan dẫn tới nguồn lợi ngán biển dễ bị cạn kiệt dần. Vì vậy, bảo tồn ngán biển trước nguy cơ khai thác cạn kiệt ngoài những giải pháp trên về lâu dài các địa phương cần phối hợp tuyên truyền giúp các hộ dân nâng cao ý thức biện pháp khai thác nó một cách sao cho bền vững, hiệu quả.