Bệnh trùng quả dưa (Ichthyophthyriusis)
Tác nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh trùng quả dưa là loài Ichthyophthyrius multifiliis Fouguet, 1876 thuộc họ Ichthyophthyriidae Fouquet, 1876. Trùng có dạng rất giống quả dưa, đường kính 0,5-1 mm. Toàn thân có nhiều lông tơ nhỏ, nhiều đường sọc, vằn dọc. Giữa thân có 1 nhân lớn hình móng ngựa và một nhân nhỏ. Miệng ở phần trước 1/3 cơ thể, hình gần giống cái tai. Một không bào co rút nằm ngay bên cạnh miệng. Trùng mềm mại, có thể biến đổi hình dạng khi vận động, ở trong nước, ấu trùng bơi lội nhanh hơn trùng trưởng thành.
Trùng quả dưa- Ichthyophthyrius (hình trùng sống, theo Bùi Quang Tề, 2007)
Dấu hiệu bệnh lý
Da, mang, vây của cá bị nhiễm bệnh có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), có thể thấy rõ bằng mắt thường. Da, mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt (hình 51).
Cá bệnh nổi từng đàn lên mặt nước, bơi lờ đờ yếu ớt. Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy. Trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở. Khi cá yếu quá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước.
Bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, sinh hoá của cá. Protein trong huyết thanh giảm tới 2,5 lần, hoạt động của gan, thận bị rối loạn, lượng tích luỹ protein bị giảm, ảnh hưởng quá trình trao đổi axit amin. Thành phần máu cũng bị thay đổi: lượng hồng cầu của cá chép con giảm 2-3 lần, bạch cầu tăng quá nhiều, đặc biệt là máu ngoại biên - lượng bạch cầu có thể tăng tới 20 lần (theo Golovina,1978).
Hình 1: Trùng quả dưa ký sinh trong mang (theo Bùi Quang Tề và CTV, 2007)
Phân bố và lan truyền bệnh
Bệnh lưu hành rất rộng, khắp các Châu lục trên thế giới. ở khu vực Đông Nam á, các loài cá nuôi thường mắc bệnh này. Việt Nam đã phát hiện thấy trùng quả dưa ở cá da trơn: Cá Tra nuôi, Cá Trê, Cá Nheo, Cá Trèn răng. Cá Trê, Cá Tra, Cá Ba sa ở giai đoạn cá giống thường gặp trùng qủa dưa gây bệnh làm cá chết hàng loạt (theo Bùi Quang Tề, 2001).
Miền Bắc bệnh thường xuất hiện vào đầu mùa xuân và mùa đông, miền Nam - mùa thu
Phòng và trị bệnh
Phòng bệnh, tuyệt đối không nên thả chung cá bị bệnh với cá khoẻ. Tẩy dọn ao kỹ, phơi đáy ao 3-4 ngày diệt bào tử ở đáy ao. Trước khi thả nếu kiểm tra thấy cá có trùng cần xử lý ngay bằng thuốc.
Trị bệnh trùng quả dưa cần chú ý đến 2 giai đoạn trong chu kỳ sống của nó. Diệt trùng ở thời kỳ ấu trùng bơi lội tự do thuộc giai đoạn bào nang dễ dàng hơn so với giai đoạn dinh dưỡng (ký sinh). Phương pháp dùng thuốc diệt hết trùng ở giai đoạn ký sinh của cá cần ít nhất vài lần. Các phương pháp trị bệnh trùng quả dưa đều phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường nên phải thí nghiệm để lựa chọn phù hợp với từng vùng.
Thuốc và hoá chất dùng điều trị bệnh này rất đa dạng. Nhiều tác giả ở các nước khác nhau đã xử lý đạt kết quả ở những mức độ khác nhau. ở Việt Nam đã sử dụng có kết quả một số loại hoá chất như sau:
- Dùng Formalin tắm với nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) thời gian 30-60 phút hoặc phun xuống ao 20-25 ppm(20-25 ml/m3) mỗi tuần phun 2 lần.
- Dùng thuốc thảo dược cao cấp Ekvarin nano:
+ Cá giống dùng phương pháp tắm thời gian 1 giờ, nồng độ 20-25 ppm (20-25ml/m3).
+ Cho cá ăn thuốc trộn với thức ăn viên. Cho cá ăn liên tục từ 5-7 ngày, liều lượng 0,1ml/1 kg cá/ngày
Bệnh trùng bánh xe (Trichodinosis)
Tác nhân gây bệnh
Họ trùng bánh xe Trichodinidae có nhiều giống, nh,ưng ở trắm cỏ thường gặp các loài thuộc giống: Trichodina ehrenberg,1830, Trichodinella Sramek -Husek,1953, ký sinh ở da và mang. Những giống loài thường gặp ở cá da trơn: Trichodina nigra, Trichodina acuta, Trichodina gasterostei, Trichodina siluri, Tripartiella obtusa, Tripartiella bulbosa, Tripartiella lota (hình 2, hình 3).
Hình 2: Một số loài trùng bánh xe thường gặp ở cá da trơn: 1- Trichodina nigra; 2- T. acuta; 3- Trichodina gasterostei; 4- Tripartiella obtusa; 5- Tripartiella bulbosa; 6- Tripartiella lota
Hình 3: Trùng bánh xe Trichodina siluri ký sinh trên da, mang Cá Tra hương
Dấu hiệu bệnh lý
Khi mới mắc bệnh, trên thân cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi bắt cá lên cạn. Da cá chuyển màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy, thường nổi từng đàn lên mặt nước. Một số con tách đàn bơi quanh bờ ao. Khi bệnh nặng trùng ký sinh ở mang, phá huỷ các tơ mang khiến cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội lung tung không định hướng. Sau hết cá lật bụng mấy vòng, chìm xuống đáy ao và chết. Người nuôi cá giống còn gọi bệnh này là bệnh “trái”, vì sau mấy hôm trời âm u không nắng, nhiệt độ mát mẻ, trùng bánh xe sinh sản nhanh chóng gây thành bệnh làm cá chết hàng loạt. Đàn bị bệnh nhẹ thì gầy yếu, nếu không xử lý trị bệnh kịp thời cá sẽ chết nhiều. Khi kiểm tra tỷ lệ nhiễm của đàn, nếu tỷ lệ nhiễm 90-100%, cường độ nhiễm 20-30 trùng/ thị trường 9 x 10 là nguy hiểm. Đàn cá phát bệnh khi cường độ nhiễm 50-100 trùng/ thị trường 9 x 10. Bệnh nặng cường độ nhiễm có khi tới 200-250 trùng/ thị trường 9 x 10, trùng bám dày đặc trên da, vây và mang cá.
Hình 4: A- Trùng bánh xe bám trên mang Cá Tra giống (X 400); B- Trùng bánh xe bám dày đặc trên vây Cá Tra hương (X 100)
Phân bố và lan truyền bệnh
Trùng bánh xe phân bố rộng. Theo Hà Ký và Bùi Quang Tề bệnh này gây tác hại chủ yếu cho cá hương cá giống ở Việt Nam. Bệnh phát sinh rộng trên nhiều loài cá khác nhau, cá da trơn: Cá Tra, Cá Trê, Cá Lăng, Cá Nheo,... Trong các ao ương Cá Tra hương (20-25 ngày tuổi) bệnh trùng bánh xe đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá, nhiều ao ương tỷ lệ sống chỉ đạt 20-25%. Bệnh phát triển quanh năm nhưng phổ biến nhất vào mùa xuân, đầu hạ và mùa thu ở miền Bắc, vào mùa mưa ở miền Nam (mùa khô ít gặp hơn).
Phòng và trị bệnh
Biện pháp tốt nhất phòng bệnh trùng bánh xe là giữ gìn vệ sinh cho các ao hồ nuôi cá, nhất là ao ương. Trước khi ương nuôi phải tẩy vôi, tiêu độc ao. Mật độ cá không nên thả quá dày.
Ở Việt Nam thường dùng một số phương pháp đơn giản và hoá chất dễ kiếm: Dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút, dùng CuSO4 nồng độ 3-5 ppm tắm cho cá 5-15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5-0,7 ppm (0,5-0,7g cho 1 m3 nước). Dùng Formalin tắm với nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) thời gian 30-60 phút hoặc phun xuống ao 20-25 ppm(20-25 ml/m3).
Bệnh sán lá đơn chủ đẻ trứng–(Ancyrocephalosis)
Tác nhân gây bệnh
Bộ Dactylogyridea Bychowsky, 1937
Họ Ancyrocephalidae Bychowsky, 1937
Giống Thaparocleidus Jain, 1952 (hình 56A,B,C,D,F,G,H,I)
Giống Bychowskyella Achmerov, 1952
Giống Cornudiscoides Kulkarni, 1969
Sán lá đơn chủ thuộc họ Ancyrocephalidae có đặc điểm chung của bộ Dactylogyridea.
Cơ thể của họ sán Ancyrocephalidae nói chung rất nhỏ, dài, (chiều dài khoảng 0,2-0,9mm) lúc còn nhỏ có màu trắng nhạt và vận động rất hoạt bát. Mỗi khi vận động, cơ thể vươn dài ra phía trước, sau đó cơ thể rút ngắn, kéo cả phần sau lại, lấy phần sau làm trụ rồi vươn dài ra phía trước, lúc này ở phía trước lộ rõ 4 thuỳ đầu trong đó có 4 đôi tuyến đầu tiết chất nhờn phá hoại tổ chức tạo điều kiện cho sán bám lên mang cá. Phía trước có 4 điểm mắt do các đám tế bào sắc tố tạo thành tác dụng cảm giác ánh sáng.
Phía sau cơ thể có đĩa bám, chính giữa đĩa bám có hai đôi móc giữa, mỗi đôi móc giữa nối với nhau bởi màng nối, xung quanh đĩa bám có 7 đôi móc rìa. Kích thước hình dạng các móc, màng nối giữa các móc giữa là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt các giống loài của họ Ancyrocephalidae.
Một số giống Thaparocleidus, Cornudiscoides, Ancyrocephalus, Bychowskyella, Quadriacanthus... thường ký sinh trên cá da trơn
Dấu hiệu bệnh lý
Các loài sán lá đơn chủ thuộc họ Ancyrocephalidae thường ký sinh trên da và mang của cá nhưng chủ yếu là mang (hình 57). Lúc ký sinh chúng dùng móc của đĩa bám sau bám vào tổ chức tuyến đầu tiết ra men hialuronidaza phá hoại tế bào tổ chức mang và da cá làm cho mang và da cá tiết ra nhiều dịch nhờn ảnh hưởng đến hô hấp cá. Tổ chức da và mang bị sán ký sinh viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số sinh vật xâm nhập gây bệnh.
Có trường hợp sán ký sinh không những gây viêm nhiễm làm cho tổ chức tế bào sưng to mà xương nắp mang cũng phồng lên. Cá bị bệnh bơi lội chậm chạp, cơ thể thiếu máu, cá gầy yếu.
Hình 5: Hình dạng tổng quát của một số sán lá đơn chủ thuộc họ Ancyrocephalidae: A,B,C,D- Thaparocleidus spp ký sinh ở các loài cá thuộc họ cá tra (Pangasidae); E F,G,H- Đĩa bám của các loài Thaparoceidus spp;
Hình 6: Thaparocleidus sp ký sinh ở mang Cá Tra (theo Bùi Quang Tề, 2005)
Phân bố và lan truyền bệnh
Các loài sán đơn chủ thuộc họ Ancyrocephalidae có tính đặc hữu như bộ Dactylogyridea. ở Việt Nam đã phát hiện gần 40 loài thuộc 10 giống của họ Ancyrophalidae ký sinh ở cá nước ngọt thuộc các họ cá da trơn: Siluridae, Bagridae, Clariidae, Plotosidae, Pangasiidae. Mức độ cảm nhiễm của các loài cá khá cao, tỷ lệ cảm nhiễm từ 30-60%. Sán lá đơn chủ gây tác hại chủ yếu ở giai đoạn cá giống. Mùa xuất hiện bệnh: mùa xuân, thu ở miền Bắc và mùa mưa ở miền Nam.
Phòng trị bệnh
Trước khi thả cá xuống ao ương, nuôi, cần tẩy dọn ao, tiêu diệt trứng và ấu trùng sán lá 16 móc. Cá thả không nên quá dày, thường xuyên theo dõi chế độ ăn và điều kiện môi trường ao nuôi để điều chỉnh cho thích hợp.
Cá giống trước khi thả ra ao hồ nuôi, dùng KMnO4 20 ppm tắm cho cá trong thời gian 15 -30 phút hoặc dùng NaCl 3% tắm trong 5 phút, nếu nhiệt độ trên 25 0C thì giảm xuống 2%.
Dùng formalin nồng độ 10-15 ppm (10-15ml/m3) phun trực tiếp xuống ao (chú ý tăng cường oxy hoà tan cho cá vì khi cho formalin vào nước sẽ mất oxy), hoặc tắm nồng độ 100-150 ppm (100-150ml/m3) thời gian 30-60 phút.
Bệnh do giun tròn (Cucullanosis)
Tác nhân gây bệnh
Giống Cucullanus Miiller, 1777
Cơ thể giun tròn Cucullanus lớn ở giữa, nhỏ dần ở hai đầu, con đực thường nhỏ hơn con cái. Miệng có xoang miệng rất nhỏ hình tam giác không có môi bằng kitin, thực quản không chia làm hai phần, ruột và thực quản không có mấu lồi. Cơ quan sinh dục phân tính, con đực có một tinh hoàn hình sợi, tiếp theo là ống dẫn tinh kích thước lớn hơn một chút, kế đến là ống chứa tinh, phần cuối của cơ quan giao cấu có hai móc giao cấu kích thước và hình dạng giống nhau, móc giao cấu có thể nhô ra ngoài khi giao phối. Trước và sau hậu môn có các mấu nhú thường từ 2 -5 đôi.
Phần đuôi có nếp gấp, con cái có hai buồng trứng, hai ống dẫn trứng đến đoạn cuối hợp làm 1 và thông ra ngoài bằng lỗ sinh dục ở giữa cơ thể. Kích thước của Cucullanus thay đổi theo loài và giống đực cái. Cucullanus đẻ trứng.
Cucullanus chabaudi Le Van Hoa et Pham Ngoc Khue, 1967 (hình 7 A,B):
Con đực: chiều dài thân 8-11,3 mm, chiều rộng 0,37-0,42 mm. Chiều dài thực quản 1,322-1,392 mm. Gai giao cấu dài 0,468 mm.
Con cái: Chiều dài thân 13-16 mm, chiều rộng 0,42-0,46 mm. Thực quản dài 1,276-1,392 mm. Đuôi dài 0,30 mm.
Dấu hiệu bệnh lý
Không có dấu hiệu bệnh lý rõ ràng. Tác hại chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng. Giun tròn (Cucullanus chabaudi) ký sinh trong thành ống dẫn mật của cá tra (hình 14 C,D) làm tắc ống dẫn mật, gây ảnh hưởng đến tiết dịch mật của cá. Cá bệnh nặng chuyển màu vàng (hình 8)
Hình 7: Giun tròn Cucullanus chabaudi (A- cuối phía trước cơ thể; B- cuối phía sau cơ thể; C,D- cuống mật cá tra bị viêm do giun tròn ký sinh (➔) (theo Bùi Quang Tề, 2001)
Hình 8: Cá Tra nhiễm giun tròn Cucullanus chabaudi ở cuống mật sưng to, thân, vây cá chuyển màu vàng.
Phân bố và lan truyền bệnh
Giun tròn (Cucullanus spp) ký sinh trong ruột hoặc ống mật Cá Tra, Cá Ba sa,... (theo Hà Ký và Bùi Quang Tề, 2007)
Phòng và trị bệnh
- Tiến hành phương pháp phòng trị chung, chủ yếu dùng vôi tẩy ao, tiêu diệt trứng, ấu trùng của giun tròn Cucullanus
- Dùng Levamisol 10%: định kỳ ba tháng một lần tẩy giun tròn cho Cá Ba sa và Cá Tra, liều lượng 25-30mg/kg cá/ngày (Bùi Quang Tề, 2003).