Ba khía là loài giáp xác, thuộc họ cua. Chúng thường sống ở khu vực bãi bồi và tập trung nhiều nhất ở những rặng đước, mắm hoặc bờ vuông. Ba khía có hình dáng gần giống với cua đồng, trên mai có ba vạch. Có lẽ đó là nguồn gốc cái tên ba khía.
Muốn có được những con ba khía tươi ngon, đòi hỏi người bắt phải có kỹ năng và kinh nghiệm. Theo chân những người “thợ săn” ba khía ở Rạch Gốc, chúng tôi mới có dịp mở mang tầm mắt và vô cùng phấn khích...
Là một lão nông dày dạn kinh nghiệm trong việc bắt ba khía, ông Bông Văn Muội (60 tuổi, ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) cho biết: “Muốn đi bắt ba khía phải có bao tay để ba khía không kẹp, cây xôm (được làm từ gỗ, dài khoảng 1 m, bản dẹp) để chặn hang ba khía, can nhựa được khoét 1 lỗ nhỏ để đựng ba khía và một cây đèn pin”.
Theo ông Muội, bắt ba khía chỉ là nghề phụ của nhiều nông dân lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Ba khía Rạch Gốc được xem là loại ngon nhất vì thịt chắc, ngọt hơn những nơi khác.
Sơ chế ba khía trước khi muối
“Bắt ba khía không khó, chỉ hơi cực do phải thức đêm và lặn lội nhiều. Người bắt cần phải nhanh tay, biết cách đặt cây xôm sao cho đúng chỗ để ba khía không chạy đi.
Ba khía có quanh năm, nhưng ngon nhất là vào khoảng tháng 5-7 âm lịch. Trung bình mỗi ngày tôi bắt từ 7-10 kg, mỗi tháng bắt được 2 con nước, khoảng 10-13 ngày”, ông Muội cho biết thêm.
Theo người dân địa phương, ba khía có thể chế biến thành nhiều món ăn. Ngon nhất phải kể đến món ba khía muối. Muối ba khía cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật.
Nếu con ba khía vẫn giữ màu sắc như lúc còn sống là đạt chất lượng. Hiện ba khía muối ở Rạch Gốc có giá từ 65.000-85.000 đồng/kg (tuỳ loại), ba khía tươi khoảng 35.000-55.000 đồng/kg.