Thiếu hụt oxy hòa tan tác động không nhỏ đến thương mại thủy sản
Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, đến năm 2080, 70% đại dương trên thế giới có thể “nghẹt thở” vì sự thiếu oxy hòa tan do biến đổi khí hậu, điều này có khả năng ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển trên toàn thế giới. Xu hướng giảm nhanh lượng oxy hòa tan trong nước cùng với tình trạng nóng lên toàn cầu đang diễn ra sẽ tác động tiêu cực đến không chỉ riêng nghề cá mà còn ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên biển khác.
Các nhà khoa học đã theo dõi sự suy giảm oxy đều đặn của đại dương trong nhiều năm, nhưng nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên sử dụng mô hình khí hậu để dự đoán cách thức và thời điểm quá trình khử oxy (giảm hàm lượng oxy hòa tan trong nước) diễn ra. Tiếp đó, họ tiến hành mô phỏng quá trình khử oxy ở ba độ sâu khác nhau (nông, trung bình, sâu) bằng cách lập mô hình khi lượng oxy mất đi trong nước vượt quá mức dao động bình thường.
Lượng oxy hòa tan trong nước giảm do biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng lớn đến nghề cá
Theo các phát hiện, lớp giữa của đại dượng (sâu khoảng 200 - 1.000 mét) – còn gọi là vùng biển khơi trung sẽ là vùng đầu tiên mất đi lượng oxy hòa tan đáng kể do biến đổi khí hậu gây ra. Trong cả hai mô phỏng mô hình khí hậu (với lượng khí thải CO2 ở mức cao và thấp). Độ sâu này, ghi nhận sự thiếu hụt oxy hòa tan với tốc độ nhanh nhất và chiếm diện tích lớn nhất trên các đại dương toàn cầu so với các độ sâu khác.
Tuy nhiên, trong mô phỏng lượng phát thải CO2 thấp cho thấy quá trình suy giảm lượng oxy hòa tan bắt đầu sau khoảng 20 năm. Điều này chỉ ra rằng việc giảm lượng khí thải CO2 và khí thải nhà kính khác có thể giúp trì hoãn đáng kể sự suy thoái của môi trường biển trên toàn cầu.
Biến đổi khí hậu, khiến nhiệt độ toàn cầu gia tăng theo đó làm nước biển ấm lên (có thể chứa ít oxy hòa tan hơn) làm hạn chế sự lưu thông giữa các tầng nước của đại dương. Lớp nước giữa của đại dương đặc biệt dễ bị khử oxy (dễ mất lượng oxy hòa tan) vì nó không được khí quyển làm giàu oxy và quang hợp như lớp nước gần bề mặt, cộng thêm sự phân hủy tảo diễn ra tại độ sâu này là nhiều nhất (một quá trình tiêu thụ oxy). Các chuyên gia cho biết, khu vực này được xem là khu quan trọng vì đây là nơi các loài cá thương mại sinh sống nhiều nhất.
Vùng biển khơi trung là nơi sinh sống của nhiều loài đánh bắt thương mại trên thế giới, những phát hiện này là dấu hiệu báo động cho những khó khăn kinh tế sắp tới, về tình trạng thiếu nguồn cung hải sản và sự tác động môi trường. Nghiên cứu này cung cấp những vấn đề cấp bách cần được quan tâm, góp phần giảm thiểu các tác động gây biến đổi khí hậu.
Làm giảm 30% chất dinh dưỡng của thủy hải sản
Làm suy giảm lượng chất dinh dưỡng trong các loài thủy hải sản được đánh bắt thương mại
Nghiên cứu mới của UBC cho thấy các chất dinh dưỡng có sẵn từ hải sản có thể giảm 30% ở các nước có thu nhập thấp vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu. Các quốc gia có thu nhập thấp và khu vực phía Nam bán cầu, nơi hải sản là trọng tâm trong chế độ ăn kiêng và có tiềm năng giúp giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia đã kiểm tra cơ sở dữ liệu về nghề cá và nuôi trồng thủy hải sản, bao gồm dữ liệu từ Sea Around Us của UBC để tìm ra số lượng các chất dinh dưỡng quan trọng có sẵn trong nghề cá và nuôi trồng hải sản trước đây, đồng thời sử dụng các mô hình khí hậu mô phỏng để dự đoán nguy cơ của những chất dinh dưỡng này trong tương lai. Họ tập trung vào bốn chất dinh dưỡng có nhiều trong hải sản và quan trọng đối với sức khỏe con người: canxi, sắt, protein và axit béo omega - 3.
Kết quả cho thấy, sự sẵn có của các chất dinh dưỡng này đạt đỉnh điểm vào những năm 1990 và trì trệ đến những năm 2010, mặc dù sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy hải sản và từ việc đánh bắt các loài động vật không xương sống như tôm và hàu cũng đạt những thành tựu đáng kể.
Trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng các chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ các loài thủy hải sản sẽ giảm khoảng 4 - 7% mỗi độ C. Đối với các quốc gia có mức phát triển thấp ở vùng nhiệt đới như Nigeria, Sierra Leone và Quần đảo Solomon, mức giảm dự kiến gấp hai đến ba lần mức trung bình toàn cầu ở mức gần 10 - 12% trên mỗi đơn vị nhiệt độ gia tăng.