Tỷ lệ cá giống chết cao
Ông Trần Thanh Tuấn (nông dân xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) là một trong những nông dân có tay nghề cao trong ương nuôi cá tra giống ở địa phương. Từ đầu năm 2018 đến nay, ông Tuấn đã 3 lần thả cá bột vào hầm nuôi nhưng chưa thu hoạch được đợt nào trọn vẹn, bởi quá trình ương nuôi cá chết rất nhiều. “Tôi đã tìm đến các kỹ sư giỏi trong vùng để hỏi nguyên nhân vì sao 10 năm trước đây, nông dân bắt cá bột thả vào ao để nuôi thành cá giống rất dễ dàng. Nay, việc này không dễ, bởi tỷ lệ hao hụt rất cao; đa phần cá giống chết hết hầm hoặc chết 80-90%, số còn lại nông dân xả bỏ ra sông. Câu trả lời của những kỹ sư giỏi, do biến đổi khí hậu” - ông Tuấn cho biết.
Ngành cá tra đang gặp khó khi con giống, nguồn nước kém chất lượng
Thời tiết hiện nay diễn biến phức tạp, khó lường. Vào mùa mưa, có nơi không có cơn mưa nào mà ngược lại nắng rất dữ dội, nhiệt độ trong ngày có khi lên đến 340C. Vào mùa nắng thì mưa như trút nước. Chính yếu tố thời tiết trong một ngày dao động ở biên độ lớn nên cơ thể cá tra không kịp thích ứng, từ đó dễ sinh ra bệnh và chết. “Có thể nói, bệnh trắng gan, trắng man hay còn gọi là bệnh gan thận mũ là căn bệnh của thời đại trong nuôi trồng thủy sản hiện nay. Khi cá mắc bệnh này, ngoài việc cá bị tuột nhớt, việc điều trị cũng rất khó khăn, tốn rất nhiều tiền nhưng hiệu quả trong điều trị rất kém. Một số nơi, do nóng lòng khi cá bị bệnh, chủ hầm đã mời cả kỹ sư của các công ty thuốc đến hầm xem và điều trị nhưng cũng không hết mà lại mất rất nhiều tiền. Có thể nói, 5 năm trở lại đây, cao điểm là năm 2018, biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến ngành cá tra, gây ra nhiều hệ lụy khó lường” - ông Nguyễn Văn Nam (nông dân xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) thông tin.
ĐBSCL là nơi có lợi thế tuyệt đối trong nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu, bởi khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước và tay nghề của người nông dân là 4 trong nhiều yếu tố quyết định sự thành, bại của ngành và ĐBSCL đã có đủ. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tăng đã làm cho ngành cá đối diện với những thách thức. Thiếu hụt con giống dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Một yếu tố quan trọng khác là đơn hàng để đáp ứng cho các nhà nhập khẩu ở các quốc gia luôn trong tình trạng thiếu hụt.
Kinh doanh gặp khó
“Cái khó của các công ty chế biến cá tra xuất khẩu trong năm 2018 là sự thiếu hụt về con giống dẫn đến thiếu hụt về cá nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu…” - bà Trần Thị Huệ (thương lái chuyên xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc) chia sẻ. Năm 2018, thị trường Trung Quốc nhập rất nhiều cá tra xẻ bướm của Việt Nam, tuy nhiên, nguyên liệu để đáp ứng cho thị trường này không đủ. Trong nước, từ khoảng tháng 3-2018, giá cá nguyên liệu bắt đầu tăng từ 25.000 đồng/kg lên đến 35.000 đồng/kg ở thời điểm tháng 9, 10. Mức giá nguyên liệu cao, buộc các công ty chế biến phải nâng giá bán trên thị trường thế giới, gây ra sự cạnh tranh khốc liệt. Từ mức giá 2,2-2,3 USD/kg, cá tra xuất vào thị trường Trung Quốc ở thời điểm tháng 10-2018 tăng lên 3,1-3,2 USD/kg (giá FOB tại cảng TP. Hồ Chí Minh).
Còn ở các thị trường khác như Mỹ, giá tăng lên 5,5-6 USD/kg, Châu Âu là 3,5-4 USD/kg. Nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu, với mức giá này, cơ hội và thách thức đan xen với nhau đối với ngành hàng cá tra. “Xuất khẩu có lời, nông dân cũng có lời. Các doanh nghiệp bán thức ăn, thuốc thú y cũng có lời. Nhưng nếu mức giá xuất cứ tăng dần thì đó là “họa” chứ không phải “phúc”, bởi hiện tại nhiều loại cá thịt trắng có khả năng thay thế cá tra, vì vậy kinh doanh trong thời điểm hiện nay là rất khó khăn, nếu tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cứ kéo dài trong thời gian tới” - bà Huệ phân tích.