Biển Đông: Cần một cơ chế quản lý nghề cá

Đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài nguyên hải sản ở biển Đông, các nhà khoa học kêu gọi hợp tác xây dựng cơ chế phát triển bền vững.

Biển Đông: Cần một cơ chế quản lý nghề cá
Từng là vùng biển có trữ lượng tôm cá lớn nhất thế giới, nay biển Đông đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và sự sụp đổ của ngành ngư nghiệp các nước ven biển. Ảnh: Reuters

Biển Đông là vùng biển tương đối kín (semi-closed seas), có diện tích lớn gấp rưỡi Địa Trung Hải và có tầm quan trọng chiến lược lớn hơn nhiều. Đây cũng là một trong năm vùng biển có sản lượng cá lớn nhất thế giới, cung cấp 12% tổng lượng cá đánh bắt được trong năm 2015. Hơn một nửa số tàu thuyền đánh cá của thế giới hoạt động trong vùng biển này, sử dụng hơn 3,7 triệu lao động trực tiếp và hàng chục triệu lao động gián tiếp, trong đó có rất nhiều người đánh bắt cá bất hợp pháp, không được quản lý và không báo cáo.

Biển Đông cạn kiệt

Nhưng hiện nay hệ sinh thái biển của vùng biển này đang bị đe dọa nghiêm trọng do hoạt động đánh bắt cá quá mức được các chính phủ tài trợ và khuyến khích, cũng như do phương thức đánh cá gây tổn hại và trong những năm gần đây do việc nạo hút cát để bồi đắp đảo nhân tạo.

Báo cáo cho biết trữ lượng tài nguyên hải sản của biển Đông đã giảm từ 70-95% so với thập niên 1950 và lượng cá đánh bắt được cũng giảm 66-75% trong vòng 20 năm qua. Việc đánh bắt rùa biển khổng lồ, nạo hút cát và bồi đắp đảo nhân tạo trong vài năm gần đây đã phá hủy nghiêm trọng hơn 40.000 mẫu (160 ki lô mét vuông) rạn san hô - nơi sinh sản và cư trú của nhiều loài hải sản. Nghề cá của toàn vùng biển Đông, nguồn sinh kế của hàng trăm triệu người, hiện đang có nguy cơ sụp đổ nếu các quốc gia liên quan không hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng hủy diệt môi trường và tài nguyên hải sản.

Trên trang Diplomat, chuyên gia Adam Greer của Không quân Hoa Kỳ cảnh báo rằng, đến nay ngư dân các nước vẫn còn bắt được cá ở biển Đông nên nguy cơ sụp đổ của ngành ngư nghiệp chưa được nhận thức đầy đủ. Ông chỉ ra tỷ lệ các loại cá nhỏ trong số cá bắt được ngày càng cao, chứng tỏ cá nhỏ tăng đàn mạnh do những loại cá lớn, săn mồi, đã bị đánh bắt quá mức và ngư dân đang ngày càng “tận thu”, dẫn tới khả năng triệt tiêu toàn bộ nguồn tài nguyên hải sản.

Điều 123 Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định các quốc gia ven các vùng biển tương đối kín như biển Đông có nghĩa vụ phải hợp tác với nhau trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển và quản lý tài nguyên hải sản, do các hệ sinh thái trong vùng biển kín được nối kết chặt chẽ với nhau, không phân chia theo khu vực chủ quyền hoặc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Một giống cá có thể sinh sản trong vùng EEZ của nước này, lớn lên ở EEZ của một nước khác, và sinh sống trong EEZ của một nước khác nữa; nói chung loài cá không quan tâm tới các biên giới quốc gia mà loài người vẽ ra trên biển. Đánh bắt cá quá mức hoặc phá hoại môi trường ở bất cứ điểm nào trong dây chuyền sinh trưởng của loài cá đều có tác động tai hại đến toàn bộ dân cư các quốc gia ven biển. Vì lẽ đó, điều 192 của UNCLOS yêu cầu các nước phải có nghĩa vụ chung phải “bảo vệ và bảo tồn môi trường” của toàn vùng biển chứ không chỉ tập trung vào vùng EEZ của mỗi nước.

Tuy nhiên, do nhiều vấn đề của lịch sử, biển Đông luôn là vùng tranh chấp quyết liệt về chủ quyền của các quốc gia ven biển: Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam - 5 quốc gia thành viên ASEAN - với Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan. Cuộc tranh chấp không khoan nhượng đã và đang làm cho các đề nghị hợp tác ở vùng biển này trở nên bất khả thi bởi vì không chính phủ nước nào muốn người dân thấy họ tỏ ra nhượng bộ đối thủ về chủ quyền quốc gia.

Cần phải hợp tác

Tuy nhiên, với tình trạng cạn kiệt tài nguyên hải sản của biển Đông đã lên mức báo động hiện nay các nhà khoa học có thâm niên nghiên cứu vùng biển này hy vọng sẽ vận động được sự hợp tác giữa các bên. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington mới đây đã tổ chức hội nghị chuyên gia các nước ven biển Đông và lập ra “Kế hoạch Hợp tác môi trường và quản lý ngư nghiệp biển Đông” (nguyên văn tiếng Anh tại https://amti.csis.org/coc-blueprint-fisheries-environment/), đề ra những bước đi và cơ chế căn bản để tạo dựng sự hợp tác khu vực theo quy định của UNCLOS. Kế hoạch của CSIS tựu trung có hai mảng chính: thiết lập một cơ chế quản lý ngư nghiệp liên quốc gia để điều hành hoạt động khai thác hải sản và thiết lập các khu bảo tồn biển, sinh cảnh của các loài hải sản, để phục hồi và phát triển bền vững nguồn tài nguyên hải sản.

Điểm trọng tâm của kế hoạch này là, để công tác quản lý và bảo vệ biển Đông được thực hiện hiệu quả, các quốc gia ven biển phải hợp tác với nhau và có thể hợp tác mà không phải hy sinh chủ quyền của mỗi nước.

Vấn đề là mọi sự hợp tác ở biển Đông nhất thiết phải có sự tham gia thành thật của Trung Quốc, không chỉ vì nước này có nền ngư nghiệp cực lớn và đội tàu đánh cá quy mô công nghiệp mà còn vì các ngư trường gần bờ của Trung Quốc đã cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc phải đi sâu vào vùng EEZ của các nước láng giềng, làm bùng phát những vụ xung đột khó mà quản lý được.

CSIS cho rằng, Trung Quốc sẽ mất nhiều nhất nếu tiếp diễn tình trạng hiện nay, các nước ven biển mạnh ai nấy khai thác nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, và hợp tác để quản lý tài nguyên hải sản một cách bền vững là có lợi cho chính Trung Quốc. Giáo sư John McManus, Đại học Miami và đồng tác giả kế hoạch của CSIS, ví von tài nguyên biển Đông như một bát súp lớn hiện có 7 nước chĩa 7 cái ống hút vào, nếu một nước hút chậm thì các nước còn lại sẽ hút hết. “Cách duy nhất để phát triển bền vững là phải hợp tác với nhau. Một mình Trung Quốc không làm nổi và không có lý do nào để nghĩ rằng các nước liên quan sẽ phản đối một cơ chế cùng quản lý môi trường và tài nguyên nếu cơ chế đó đem lại lợi ích công bằng và bền vững cho mỗi nước”, ông McManus nói.

Vấn đề là làm sao thuyết phục Trung Quốc hợp tác với các nước liên quan để hạn chế việc đánh bắt các loài cá đang dần bị tuyệt chủng như cá ngừ, cá thu, cá mú; đặc biệt là việc bảo vệ các rạn san hô là nơi cung cấp cá con cho toàn vùng biển. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định quan điểm “chủ quyền không thể tranh cãi trên các quần đảo ở biển Đông” từ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông, song thời ông Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã kết hợp quan điểm đó với yêu cầu “cùng phát triển” các nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên, trong lúc các quốc gia ASEAN đề nghị các thỏa thuận tập thể, bao gồm tất cả các nước liên quan thì Trung Quốc chỉ muốn, hoặc đơn phương áp đặt điều kiện “cùng phát triển”, sử dụng quân đội và cảnh sát biển đe dọa, quấy nhiễu ngư dân các nước khác, hoặc nhắm tới thỏa thuận song phương một đối một mà họ có lợi thế áp đảo. Việc Bắc Kinh đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá mỗi năm ba tháng ở biển Đông và các nước khác không chấp nhận hoặc phản đối là một minh chứng cho ý đồ của Trung Quốc và sự thất bại của ý đồ đó trong thực tế.

Hy vọng ở COC?

Tình hình có thể thay đổi. Trên trang Người bảo vệ châu Á (Asia Sentinel) tác giả David Brown cho rằng, kế hoạch hợp tác bao gồm cả Trung Quốc ở biển Đông không phải là ý tưởng mới vì trong hai thập niên qua, ASEAN đã tìm cách thuyết phục Trung Quốc tham gia đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Kế hoạch đàm phán COC đã được các bên thông qua vào tháng 8 năm ngoái và các cuộc đàm phán chính thức sẽ bắt đầu trong năm nay. COC sẽ là một khuôn khổ pháp lý có tính ràng buộc mà mục tiêu đầu tiên là “Thiết lập một khuôn khổ đặt căn bản trên luật lệ, bao gồm một bộ quy tắc hướng dẫn hành vi của các bên và thúc đẩy hợp tác hàng hải ở biển Đông”. Các nhà phân tích hy vọng, bảo vệ ngư trường và tài nguyên hải sản sẽ được đưa vào COC trong đề mục “thúc đẩy hợp tác hàng hải”, theo nhận xét của Ian Storey, nhà nghiên cứu của Singapore.

Trong tinh thần đó, các tác giả Kế hoạch của CSIS tin rằng, các nhà đàm phán COC sẽ dành ưu tiên cho hoạt động đánh bắt cá, tiến tới thành lập một tổ chức quản lý nghề cá tập thể, quy hoạch những khu bảo tồn sinh thái biển bao gồm những rạn san hô còn lại để phục hồi nguồn tài nguyên...

Tuy nhiên, vẫn không ít tiếng nói hoài nghi về triển vọng của kế hoạch. Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về biển Đông của Đại học New South Wales (Úc) cho rằng, dựa trên các hành động quá khứ của Bắc Kinh, ông hoài nghi sự thành thật của nước này qua các sự kiện như việc coi thường phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hoặc bồi đắp và quân sự hóa các đảo ở Trường Sa. “Chừng nào tranh chấp lãnh thổ vẫn diễn ra thì môi trường biển khu vực vẫn tiếp tục phải trả giá đắt”, ông Thayer nói với báo Asia Times.

TBKTSG
Đăng ngày 03/01/2018
Theo Asia Sentinel, CSIS, Blueocean.net
Đánh bắt

Tàu khai thác cá ngừ rộn ràng cập cảng

Đầu năm mới, tàu khai thác cá ngừ ở các địa phương miền Trung rộn ràng cập cảng sau chuyến biển dài ngày thắng lợi, tạo không khí phấn khởi bao trùm. Góc nhìn khác, ở Nhật Bản có phiên đấu giá cá ngừ đầu năm tại chợ truyền thống Toyosu, một con cá ngừ vây xanh được mua 1,32 triệu USD như báo hiệu điềm lành.

Cá ngừ vây xanh
• 11:21 10/02/2025

Áp dụng nhiều công nghệ mới để chống khai thác IUU

Sáng ngày 14/1/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị lần thứ 12 về chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 5. Phó Thủ tướng chỉ đạo, áp dụng nhiều công nghệ mới để tăng cường quản lý đội tàu cá. Một số chuyên gia cho biết, Ấn Độ đã sử dụng máy bay không người lái để giám sát tàu cá, ngăn chặn khai thác IUU.

Tàu thuyền
• 10:53 24/01/2025

Nâng cao công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản

Hiện nay công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản đang tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như các hình thái thời tiết cực đoan trên biển đang ngày càng phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tàu cá
• 10:29 10/01/2025

Bình Định tăng cường lãnh đạo, xử lý các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU

Thực hiện Văn bản số 567-CV/BCSĐ ngày 18/12/2024 của Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có kết quả nhiệm vụ chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5.

Tàu cá
• 09:43 07/01/2025

Phê duyệt đề cương nhiệm vụ Đề án phát triển thủy sản giai đoạn 2026 - 2030

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định thông qua Quyết định phê duyệt đề cương nhiệm vụ Đề án phát triển thủy sản giai đoạn 2026- 2030, định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Ngư dân
• 09:17 18/02/2025

Kỹ thuật ương cá bớp giống trong bể xi măng

Cá bớp có tốc độ tăng trưởng nhanh, thịt ngon và phù hợp với cá nuôi lồng trên biển và nuôi trong ao đất. Trong giai đoạn ương giống, nhiều hộ nuôi đã áp dụng phương pháp ương cá bớp trong bể xi măng, giúp kiểm soát môi trường tốt hơn, hạn chế dịch bệnh và tăng tỷ lệ sống của cá.

Cá bóp
• 09:17 18/02/2025

Quy trình đánh giá Tôm giống Tép Bạc: Chất lượng đảm bảo từ Trại giống đến ao nuôi

Quy trình kiểm định Tôm giống theo Tiêu chuẩn Tép Bạc không chỉ dừng lại ở việc đánh giá chất lượng con giống tại trại mà còn giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình từ sản xuất, vận chuyển tôm giống cho tới khi đến tay người nuôi. Sự theo dõi xuyên suốt này giúp bà con an tâm hơn khi chọn giống đạt chuẩn, hạn chế rủi ro dịch bệnh và nâng cao hiệu quả nuôi trồng.

Nhá tôm
• 09:17 18/02/2025

Top 5 tỉnh có sản lượng nuôi tôm thẻ chân trắng lớn nhất Việt Nam

Tôm thẻ chân trắng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản mỗi năm. Với ưu thế về tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng thích nghi tốt và hiệu quả kinh tế cao, tôm thẻ chân trắng được nuôi rộng rãi tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nuôi tôm thẻ chân trắng
• 09:17 18/02/2025

Nhận biết con giống đạt chuẩn bằng mắt thường

Trong nuôi tôm, việc kiểm soát chất lượng con giống đóng vai trò then chốt, được xem là yếu tố quyết định đến 80% sự thành công của vụ nuôi. Vì vậy, việc nhận biết và lựa chọn những con giống khỏe mạnh ngay từ đầu là bước vô cùng quan trọng, giúp đảm bảo năng suất và hiệu quả của cả vụ nuôi.

Tôm giống
• 09:17 18/02/2025
Some text some message..