Trước đó, đầu tháng 3, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với TP Quy Nhơn xử lý các nhà hàng nổi chiếm dụng mặt nước, xả thải ra môi trường nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, tại 2 xã Nhơn Lý và Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), có 2 khu vực biển đã được UBND TP Quy Nhơn công nhận và giao quyền cho tổ chức cộng đồng (TCCĐ) thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017. Trong đó khu vực biển Bãi Dứa, xã Nhơn Lý với diện tích 8,02 ha theo Quyết định số 445/QĐ-UBND ngày 04/02/2020; khu vực biển phía Tây Hòn Khô Nhỏ, xã Nhơn Hải với diện tích 12,043 ha theo Quyết định số 8118/QĐ-UBND ngày 12/11/2020.
Bà Nguyễn Hải Bình, PCT Hiệp hội Thủy sản Bình Định cho biết các hoạt động đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Nhơn Lý và Nhơn Hải bền vững nhờ gắn với phát triển sinh kế du lịch sinh thái cộng đồng. Họ có thu nhập từ sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái biển, từ đó trách nhiệm bảo tồn cũng được nhân lên.
Đến nay có khoảng 210 lao động là thành viên TCCĐ tham gia hoạt động tại 2 khu vực biển bãi Dứa và Hòn Khô nhỏ bằng các phương tiện cano, bè nổi và thúng đáy kính có nguồn thu nhập ổn định từ việc kinh doanh dịch vụ du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô.
Trước kiến nghị của chính quyền 2 xã trên về việc cấm bè nổi sẽ ảnh hưởng đến sinh kế cộng đồng tại khu vực đồng quản lý. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, UBND TP Quy Nhơn và Sở NN&PTNT đã tiến hành rà soát và nhận thấy tại khu vực biển bãi Dứa xã Nhơn Lý có 24 bè nổi; tại xã Nhơn Hải có 5 bè nổi đặt phía bên ngoài khu vực bảo vệ san hô nghiêm ngặt, là trạm dừng chân để du khách ngắm san hô bằng thúng đáy kính hoặc các phao xốp chứ không có các hoạt động kinh doanh phục vụ ăn uống ở các bè, không xả thải gây ô nhiễm, đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự an toàn-xã hội, bảo vệ môi trường.
TCCĐ xã Nhơn Lý tổ chức thả phao tiêu khoanh vùng bảo vệ tại khu vực biển được giao để bảo vệ san hô. Ảnh TCCĐ
Các hoạt động dịch vụ du lịch của TCCĐ ở xã Nhơn Lý và xã Nhơn Hải tại các khu vực biển được giao thực hiện đúng theo các Phương án quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đã được UBND TP Quy Nhơn phê duyệt, phù hợp với mục tiêu kép của đồng quản lý là bảo vệ phát triển nguồn lợi và phát triển sinh kế cộng đồng, theo đúng quy định tại Điều 10 của Luật Thủy sản năm 2017 và Điều 5 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ.
Vì vậy UBND TP Quy Nhơn và Sở NN&PTNT tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh cho phép 24 bè nổi tại khu vực Bãi Dứa-xã Nhơn Lý và 05 bè nổi tại khu vực biển phía Tây Hòn Khô nhỏ xã Nhơn Hải tiếp tục hoạt động thực hiện việc giám sát rạn san hô, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ( không thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống) và phục vụ khách du lịch tạm dừng chân để lặn ngắm san hô theo đúng Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đã được UBND thành phố Quy Nhơn phê duyệt, đảm bảo vừa phát triển sinh kế bền vững vừa bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.
TCCĐ thường xuyên tổ chức quan trắc rạn san hô, dọn vệ sinh đáy biển và bắt sao biển gai tại khu vực biển được giao. Ảnh TCCĐ
Ông nguyễn Thành Danh, PCT UBND xã Nhơn Lý, trưởng Ban đại diện TCCĐ xã Nhơn Lý cho biết, mô hình bè nổi bảo vệ rạn san hô kết hợp với du lịch cộng đồng của TCCĐ đã được tỉnh cho phép hoạt động. Chúng tôi thật sự rất vui mừng. Thời gian tới TCCĐ sẽ tăng cường giám sát, đảm bảo thực hiện theo đúng phương án đã phê duyệt.
Các bè nổi bảo vệ rạn san hô kết hợp với du lịch cộng đồng của TCCĐ xã Nhơn Hải đặt tại khu vực phía tây Hòn Khô nhỏ. Ảnh TCCĐ
Bên cạnh việc cho phép các bè nổi đủ điều kiện, đã đăng ký và hoạt động theo đúng các phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ theo các quy định hiện hành của Nhà nước; bảo đảm các yêu cầu về trật tự giao thông đường thủy nội địa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và các vấn đề khác có liên quan theo qui định, UBND tỉnh đồng thời chỉ đạo UBND thành phố chủ trì, phối hợp Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Sở NN&PTNT và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các bè nổi, đặc biệt là các bè nổi chiếm dụng mặt nước, xả thải gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến tài nguyên, môi trường biển...không đúng theo qui định.