Trong đó, phải kể đến anh Nguyễn Tất Tùng (40 tuổi, quê ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định), người tiên phong áp dụng công nghệ nuôi tôm mới này tại Bình Định.
Năm 2017, anh tham gia vào chuyến học tập kinh nghiệm tại Cà Mau do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tổ chức cho các đại lý, những người nuôi tôm sử dụng tôm giống C.P. Chuyến đi này giúp anh tiếp cận được công nghệ xử lý nguồn nước nuôi tôm, giúp hạn chế việc thay nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Anh Tùng vận hành hệ thống cho ăn tự động cho các ao nuôi tôm. Ảnh: TN
Với quyết tâm học hỏi công nghệ mới trong nuôi tôm để xử lý môi trường nước, Anh Tùng tìm hiểu thêm về công nghệ Semi-Biofloc để tạo ra nguồn thức ăn dinh dưỡng, giảm sử dụng kháng sinh, đồng thời giữ sạch nước trong ao nuôi. Nuôi tôm bằng công nghệ này, hệ thống ao nuôi khép kín từ nước-giống-thức ăn phải đảm bảo quy trình nghiêm ngặt.
“Nuôi theo công nghệ mới, nguồn nước ổn định nên tôi có thể nuôi với mật độ 300 con/m2, có thể nuôi quanh năm. Tỷ lệ thành công cao hơn nuôi theo kiểu cũ. Nuôi theo công nghệ mới năng suất có thể đạt 40-60 tấn/ha, cao hơn so với nuôi kiểu cũ 10 tấn/ha. Năm 2022, tôm nuôi của tôi đạt 13,6 con/kg, bán tôm sống (tôm oxy) cho các thương lái Hà Nội trong dịp lễ Quốc Khánh 2/9 có giá 380.000đ/kg”, anh Tùng chia sẻ.
Theo anh Tùng, nuôi tôm theo công nghệ mới, tuy mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với kiểu cũ, nhưng lợi nhuận lại tăng hơn 15% nên chẳng bao lâu đã có thể thu hồi tiền đầu tư. Quan trọng hơn khi đã làm chủ được công nghệ này thì người nuôi sẽ dễ dàng trong việc nuôi tôm, ngay cả khi nuôi trái vụ, đáp ứng nhu cầu đặc biệt của thị trường nên đạt lợi nhuận rất cao. Ngay từ thời điểm này, toàn bộ 48 ha diện tích ao nuôi - gồm 8 ha áp dụng hoàn chỉnh công nghệ Semi - Biofloc khép kín, 40 ha nuôi theo kiểu cũ nhưng có áp dụng công nghệ lọc nước - đã vào vụ nuôi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Hệ thống ao nuôi áp dụng công nghệ Semi - Biofloc thả giống tôm CP. Ảnh: TN
Ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm thâm canh - bán thâm canh ứng dụng công nghệ Semi - Biofloc theo hướng phát triển bền vững tại Bình Định”, chia sẻ: Công nghệ Semi - Biofloc mang lại hiệu quả cao cho người nuôi tôm.
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi - Biofloc giúp chi phí đầu vào giảm từ 10 - 15% so với nuôi thông thường (do giảm được chi phí thuốc kháng sinh phòng bệnh, chi phí thức ăn hao hụt); hạn chế được sử dụng lượng nước ngầm so với nuôi thông thường nhờ ổn định môi trường nước bằng vi tảo,... Công nghệ Semi - Biofloc tương đối dễ tiếp nhận và làm chủ, đặc biệt ở giai đoạn đầu người nuôi nên nắm thật chắc quy trình xử lý ao nuôi; theo dõi lượng nước, thực hiện tốt kỹ thuật ủ mật rỉ đường và nuôi cấy khối floc.
Với vai trò chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông sẽ tích cực xây dựng các mô hình, tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại và tập huấn cho người nuôi tôm trong việc ứng dụng công nghệ Semi - Biofloc để nâng cao hiệu quả, từng bước hình thành vùng nuôi tôm đảm bảo an toàn sinh học, ông Nhựt chia sẽ thêm.