Cá lóc nuôi ở cù lao Mây tập trung chủ yếu ở khu vực xã Phú Thành với hơn 40 hộ nuôi, tổng diện tích gần 10ha. Nhiều năm qua, người nuôi cá lóc nơi đây trải qua thăng trầm với con cá lóc do giá thị trường “khi lên, khi xuống”.
Những ngày đầu tháng Chạp năm Mậu Tuất 2018, giá cá lóc thương lái thu mua nhích dần lên, người nuôi cá phấn khởi vì có lời chút đỉnh.
Từ sau Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, giá cá giảm dần và hiện nay chỉ khoảng 29.000- 30.000 đ/kg cá nguyên phẩm (loại 1), người nuôi không có lời.
Chưa hết, khoảng tháng nay, cá lóc gần xuất ao lại xuất hiện hiện tượng đầu cá bị nổi vảy sần hình như bông hồng. Từ đó, thương lái tiếp tục ép giá, những con cá có vảy nổi, thương lái mua chỉ 25.000 đ/kg, người nuôi lỗ gần 5.000 đ/kg.
Hiện toàn xã Phú Thành có 7- 8 hộ nuôi cá bị ảnh hưởng do cá bị nổi vảy sần mà người nuôi cá ở đây gọi là “cá đầu bông”. Dù cá nổi vảy, nhưng cá vẫn lớn, mạnh khỏe và người dân vẫn mua ăn bình thường, không ảnh hưởng gì. Nhưng thương lái cứ ép giá.
Theo nhiều người mua bán cá tại chợ Trà Ôn, cá có nổi vảy hay bình thường vẫn có người mua và giá bán lẻ cũng đồng giá 60.000 đ/kg.
Trước hiện tượng người nuôi cá bị ép giá, chủ đại lý bán thức ăn cá liền ra tay bù giá cho người nuôi, nên phần nào người nuôi cá lóc cũng nhẹ nhõm.
Chị Đặng Thị Hương (ngụ ở ấp Mái Dầm), nuôi 4 ao, tháng trước kéo 4 tấn, trong đó cá bị gù và nổi sần trên 300kg. Cá nguyên phẩm thương lái mua 30.000 đ/kg, cá bị nổi sần mua 25.000 đ/kg. Biết được chị Hương bị lỗ, chủ đại lý thức ăn đến hỗ trợ bù giá 5.000 đ/kg. Hiện chị Hương kéo 15 tấn, chủ đại lý cũng hứa sẽ bù giá nếu có cá bị ép giá.
Theo ước tính của chủ đại lý, hiện còn khoảng 100 tấn cá phải bù giá cho người nuôi.
Ông Lê Thanh Hải (ngụ ấp Mái Dầm) cũng cho biết, cách nay hơn tháng, ông kéo 40 tấn, cá bị nổi sần khoảng 10%. Cá nguyên phẩm bán 34.000 đ/kg, “cá đầu bông” bán chỉ 25.000 đ/kg. Tuy vậy, đại lý bán thức ăn cá bù cho ông Hải 15 triệu đồng.
Anh Lê Tấn Hùng- chủ đại lý thức ăn cá cấp 1 ở xã Lục Sĩ Thành- cho biết, anh là đại lý cung cấp thức ăn cá số đông cho người nuôi cá lóc, cá tra ở cù lao Mây này. Sau khi có hiện tượng trên, anh đã báo về công ty cung cấp thức ăn và công ty đã thử mẫu thì thức ăn cá sản xuất cũng ổn định như trước.
Anh Hùng cũng lấy mẫu thức ăn cá đang bán đem đi test cũng không có vấn đề gì. “Tuy chưa biết hiện tượng này có nguyên nhân do đâu, nhưng trước mắt, tôi là người trực tiếp bán thức ăn cá cho bà con nên tôi trước tiên phải ra tay bù giá cho người nuôi để họ còn tái đàn và chăn nuôi lâu dài, bản thân tôi cũng giữ được mối uy tín với bà con.
Tính chung, tôi chịu thiệt bù giá cho bà con khoảng 350 tấn cá, đã bù 250 tấn cá thu hoạch từ trước tới nay, giờ ước tính còn khoảng 100 tấn nữa phải tiếp tục bù giá cho bà con. Mức bù tùy theo giá thị trường, thương lái mua cá nguyên phẩm bao nhiêu, tôi bù theo giá ấy”- anh Tấn Hùng khẳng định.
Ông Ngô Công Khanh- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành- cho biết: Hiện tượng này xảy ra hơn tháng nay, nhưng người dân không tường trình, cũng không yêu cầu gì. Do người nuôi cá và người bán thức ăn cá tự thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau, nên trước mắt cán bộ địa phương cũng để đôi bên tự nguyện thỏa thuận với nhau.