Cà Mau xây dựng 13 cảng cá
Quyết định số 1587/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của UBND tỉnh Cà Mau được công bố ngày 9/8/2024. Mục tiêu hoàn thiện 13 cảng cá, gồm 1 cảng cá loại I, còn lại 6 cảng cá loại II và 6 cảng cá loại III, khả năng nhận lượng thủy sản qua cảng hàng năm từ 193.000 tấn. Đây là cơ sở căn bản để quản lý nghề cá hiện đại, đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản, ngăn chặn các hoạt động khai thác bất hợp pháp.
Đồng thời, đầu tư nâng cấp và xây dựng 13 khu neo đậu tránh trú bão, gồm 2 khu cấp vùng và 11 khu cấp tỉnh, đảm bảo 7.700 tàu cá vào neo đậu tránh trú bão an toàn. Các cửa biển và vùng nước neo đậu tàu thuyền trước cảng được nạo vét, khơi thông luồng, có biện pháp ngăn chặn và hạn chế sự bồi lắng tự nhiên, đảm bảo an toàn cho tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng hóa.
Các cơ sở hạ tầng nghề cá khác như đóng mới, cải hoán và sửa chữa tàu cá; nhà máy và khu sơ chế thủy sản; các cơ sở cung cấp xăng dầu, nước đá, ngư cụ được nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn kinh doanh, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu hậu cần nghề cá.
Đề án được triển khai với nguồn vốn 5.239 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương 1.541 tỷ đồng, ngân sách địa phương 658 tỷ đồng, và các nguồn vốn huy động khác 3.040 tỷ đồng. Đây là kế hoạch đầu tư quy mô lớn, hứa hẹn mang lại bước đột phá cho nghề cá của tỉnh Cà Mau, trở thành một động lực cho cả vùng.
Tỉnh Cà Mau diện tích 5.331,6 km², có lợi thế kinh tế biển với ba mặt giáp biển Đông, bờ biển dài 254 km. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cà Mau đạt sản lượng thủy sản 326.170 tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng 205.300 tấn. Những con số cho thấy tiềm năng của Cà Mau trong nuôi trồng và khai thác, phát triển kinh tế biển. Với sự nỗ lực không ngừng, Cà Mau đã khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản nhiều năm qua.
Sóc Trăng cơ cấu lại sản xuất và dân cư ven biển
Tỉnh Sóc Trăng vừa hoàn thiện Dự án MERIT trình Chính phủ phê duyệt với nguồn vốn trên 863 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại sản xuất và bố trí dân cư ven biển.
Tổng vốn trên gồm vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) 594 tỷ đồng, còn lại 239 tỷ đồng là đối ứng của địa phương. Từ nay đến đến năm 2030, địa phương tập trung các giải pháp nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê biển và đê dọc theo các sông chính để bảo vệ những khu vực trọng yếu của vùng; cùng hệ thống đê bảo vệ các công trình thủy lợi và nội đồng.
Đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản, ngăn chặn các hoạt động khai thác bất hợp pháp
Điển hình kinh tế biển của tỉnh là huyện Cù Lao Dung ở cửa biển sông Hậu sẽ được nâng cấp, bồi trúc hoàn thiện 45km đê bao chống tràn, sạt lở, ngập úng. Nhất là ngăn chặn xâm nhập mặn và nước biển dâng đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân với diện tích tự nhiên gần 10.000ha. Ở huyện Cù Lao Dung, các mô hình sinh kế chủ đạo là nuôi thủy sản nước lợ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tuần hoàn.
Riêng đối với khu vực bờ biển, Sóc Trăng sẽ củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, kết hợp với thủy lợi, kè phòng chống xói lở. Trong đó, tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Khi được đầu tư hoàn chỉnh, vùng Cù Lao Dung kết nối với hệ thống đê bao đã được đầu tư từ Dự án WB9 giúp địa phương tạo một hành lang đê điều, bảo vệ dân sinh trước tác động của biến đổi khí hậu.
Còn các huyện vùng trũng gồm Châu Thành, Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm triển khai canh tác lúa ứng dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm” và công nghệ sinh thái. Hướng tới thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất một năm từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa, chuyển đổi hệ thống canh tác “chuyên canh lúa” sang “2 vụ lúa kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt” như cá đồng hoặc tôm càng xanh toàn đực.