Đặc điểm của cá ngựa
Cá ngựa còn có tên là hải mã, hải long, thủy mã. Tên khoa học Hippocampus sp. Hải mã (Hippocampus) là toàn con cá ngựa phơi hay sấy khô. Vì là giống cá sống ở nước mặn có đầu hình giống đầu ngựa, do đó có tên cá ngựa hay hải mã (ngựa bể). Thân cá ngựa dài chừng 10-20cm, có khi tới 30cm, màu trắng, vàng hoặc hơi xanh đen.
Cá ngựa to, nhỏ, trắng, vàng hoặc màu sắc nào cũng được dùng làm thuốc, nhưng người ta thường cho rằng loại trắng và vàng là tốt hơn.
Cá ngựa to, nhỏ, trắng, vàng hoặc màu sắc nào cũng được dùng làm thuốc. Ảnh: giacongthucphamchucnang.vn
Cá ngựa sống ở dọc bờ biển Việt Nam, có nhiều tại biển Đà Nẵng, khách du lịch hay mua sống mang về ngâm rượu.
Tại Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, người ta ngâm cá rượu có quế hồi và một số dược liệu có tinh dầu một thời gian rồi đem ra phơi khô.
Công dụng và liều dùng
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, trong nhân dân, người ta coi cá ngựa là một vị thuốc bổ có tác dụng thường dùng cho người già yếu, thần kinh mệt yếu, tán bột cho uống.
Ngoài ra, cá ngựa còn có thể chữa đau bụng, phụ nữ trong khi đẻ mệt yếu, thai ra khó. Theo Đông y, cá ngựa tính ôn, vị ngọt, không độc giúp huyết khí lưu thông, phụ nữ khó đẻ.
Cá ngựa được xem là một vị thuốc bổ. Ảnh: chacanhatrangngoctan.com
Bài thuốc, món ăn từ cá ngựa
Chữa hen suyễn khò khè: Cá ngựa 5g, đương quy 10g. Hai vị sắc với 200ml, lấy 50 – 70ml nước sắc. Uống một lần trong ngày.
Chữa viêm thận mạn tính: Cá ngựa 1 con, bầu dục lợn 1 quả. Cá ngựa rửa sạch, chặt nhỏ, rang chín vàng ròn, tán thành bột. Bầu dục lợn bổ đôi, rửa sạch, cho bột cá ngựa vào, hấp cách thủy. Ăn một lần trong ngày, dùng liền 15 – 20 ngày.
Món ăn từ cá ngựa. Ảnh: chacanhatrangngoctan.com
Chữa suy nhược cơ thể: Cá ngựa một đôi, rượu 500ml, ngâm 7 ngày. Mỗi lần uống 20ml, ngày 2-3 lần. Dùng cho các trường hợp liệt dương, chấn thương đụng dập, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh.
Lưu ý: Những người âm hư hỏa vượng, cảm cúm, sốt và phụ nữ có thai không nên sử dụng cá ngựa.