Trong vai người tìm mua cá lóc đồng về nướng trui, tôi đến các chợ: Mỹ Bình, Mỹ Long (Long Xuyên); Quốc Thái, Nhơn Hội (An Phú); Vĩnh Xương, Phú Lộc (Tân Châu). Tại những điểm đến, đa phần người bán mời gọi "đây là cá lóc đồng". Nếu ở chợ đầu nguồn, người bán giới thiệu cá đánh bắt ở Campuchia thì ở nội địa (chợ Mỹ Bình), người bán nói đây là cá mua của dân chài, ghe cào… Người ta nghĩ ra nhiều cách để qua mặt khách hàng. Trước hết, xin đề cặp đến khâu nuôi. Cá lóc nuôi khoảng 8 tháng, tăng trọng 1 kg/con. Nay chỉ nuôi khoảng 3 tháng thì bán, lúc này cá đạt trọng lượng khoảng 250 gram/con. "Cá có kích cỡ nhỏ, khi bán nói đây là cá đồng, người ta dễ tin hơn" - chị Sáu Hòa, người bán cá ở chợ Mỹ Bình, nói. Thời gian nuôi rút ngắn, bán được giá cao nên người nuôi thấy hiệu quả.
Kỹ thuật "lên đời" để cá nuôi thành cá đồng là thương lái cân cá của ngư dân, sau đó mang về thả vào hầm nuôi với mật độ thưa, không cho cá ăn trong một thời gian dài. Cá đói bụng nên tự bơi đi tìm mồi, vì vậy mình thon lại, nội tạng bớt mỡ, thịt săn chắc rất giống cá đồng. "Một công đoạn rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả" - ông Sáu Tâm, một chuyên gia "lên đời" cho cá, nói. Hiện nay, cá lóc nuôi được bán tại chợ Mỹ Bình từ 50.000 - 56.000 đồng/kg, trong khi cá "lên đời" thì bán từ 80.000 - 120.000 đồng.
Đối với người bán, để người mua tin là cá đồng, ngoài việc "nổ" cho người mua biết nguồn gốc xuất xứ… thì cách bày trí cũng có khác. "Bắt cá lóc, cá rô để vào rổ tre, rổ nhựa, mâm, thau nhỏ… mỗi rổ để khoảng 2 con hoặc bày trí theo kiểu để cá thành khúm. Khi người mua hỏi thì mình nói đây là cá đồng vừa mới đánh bắt được. Cách làm này rất hiệu quả"- chị Lan, người bán cá dạo ở chợ Mỹ Xuyên, cho biết.
Thạc sĩ Vương Học Vinh, Trưởng bộ môn Thủy sản, Trường đại học An Giang, cho biết: "Hiện nay, các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống đều cho sinh sản nhân tạo được nhiều loài thủy sản. Điều đó khẳng định, thủy sản bán ở các chợ đa phần là cá nuôi (cá lóc, cá rô, mè vinh, điêu hồng, cá lăng nha, cá hô, thác lác, cá tra, lươn, ếch…). Về chất lượng, nếu nuôi đúng quy trình thì chất lượng hơn kém nhau không nhiều". Song, có một thực tế (vì lợi nhuận), người nuôi bao giờ cũng muốn cá chóng lớn, thời gian nuôi rút ngắn (giảm chi phí) nên thả nuôi với mật độ dầy, cho ăn các chất tăng trọng nên dễ sinh bệnh. Khi bệnh, phải dùng thuốc thú y thủy sản, từ đó trong thịt cá tồn trữ dư lượng kháng sinh, người ăn vào có hại cho cơ thể. "Trên 80% cá bán tại ở các chợ trong tỉnh hiện nay là cá nuôi, bởi tình trạng khai thác tận diệt như thời gian qua thì làm sao cá tái đàn, sinh sản kịp" - ông Đỗ Văn Sáu, một lái cá ở Tân Châu, cho biết. Từ thực tế trên, người tiêu dùng cần xem kỹ mặt hàng trước khi mua để không bị mắc lừa. Khi bị mắc lừa thì nên thông báo cho Ban Quản lý chợ để nhờ xử lý.
Luật sư Trần Ngọc Phước (Đoàn Luật sư An Giang), cho biết: " Bán hàng không đúng chủng loại, tên gọi là hành vi lừa dối khách hàng, là việc làm trái pháp luật. Nếu nhẹ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính; còn mua bán số lượng lớn, giá trị hàng hóa cao, hành vi nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự tại Điều 162 Bộ luật Hình sự về tội lừa dối khách hàng. Đây là hành vi gian lận thương mại nhưng rất khó xử lý vì giá trị hàng hóa của mỗi người mua không nhiều, giá trị bị tráo đổi không lớn, ít người đến Ban Quản lý chợ hoặc Hội Người tiêu dùng khiếu nại".
"Cá bắt dưới sông hay trên đồng cũng chưa khẳng định là cá thiên nhiên, vì hiện có rất nhiều người mua cá nuôi để phóng sanh. Mỗi năm, có hàng trăm triệu con giống lẫn cá thịt được thả về bản địa để chúng sinh tồn và phát triển. Một số bè cá, hầm cá bị vỡ, cá bơi ra sông. Cá giống bán không được, chủ trại đã phóng thích xuống sông rạch... vì vậy việc rao bán cá thiên nhiên, điều này cần xem lại" - Thạc sĩ Vương Học Vinh , Trưởng bộ môn Thủy sản, Trường đại học An Giang, nói.