Sau khi tìm hiểu mô hình nuôi cá tầm ở tại huyện miền núi Sơn Tây, anh Nguyễn Hữu Hoa- chủ Khu du lịch sinh thái suối Chí nhận thấy khu vực suối Chí có điều kiện tự nhiên khá thích hợp, nên anh nảy sinh ý tưởng đưa loài cá này về đây nuôi thí điểm.
Để triển khai mô hình, anh Hoa mua hơn 80 con cá tầm có trọng lượng từ 7- 10kg ở huyện miền núi Sơn Tây và bước đầu chọn khu vực thích hợp nhất tại suối Chí làm hồ tạm và lót bạt để thả nuôi.
Với đặc tính sống trong nước lạnh và sạch của loài cá 'đỏng đảnh' này, chỉ nơi nào có đủ hai điều kiện trên thì mới có thể triển khai mô hình nuôi. Hiện, tuy mới đưa vào nuôi, song cá tầm tỏ ra rất phù hợp với khu vực suối Chí.
Để giữ nền nhiệt độ ổn định, lượng ô-xy trong nước theo quy định, anh Hoa dùng ống dẫn nước suối vào hồ, đảm bảo hồ nuôi liên tục được bổ sung nước suối và cũng được thải ra ngoài với lượng nước tương ứng.
Đảm bảo cho cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt, cá tầm nuôi ở suối Chí luôn được chăm sóc và theo dõi hàng ngày
Theo anh Hoa, việc chọn nuôi những con cá tầm có trọng lượng và kích cỡ lớn không chỉ tạo điểm nhấn và cung cấp đa dạng thêm sản phẩm du lịch tại đây mà sự thành công của mô hình sẽ mở ra triển vọng phát triển mô hình nuôi cá tầm ở suối Chí.
Ngoài thả nuôi ở ngoài khu vực suối, anh Hoa còn nuôi thử nghiệm trong hồ xi măng ở trong khuôn viên khu du lịch đem lại sự thích thú cho du khách khi đến tham quan du lịch tại suối Chí.
Cá tầm là loại đặc sản nước lạnh, có giá trị kinh tế rất cao, được người tiêu dùng rất ưa chuộng do thịt cá thơm, béo mà không ngấy. Toàn thân cá tầm là xương sụn, thớ thịt dày, đặc biệt không có xương dăm và chứa tới 8 loại axid amine rất cần cho cơ thể. Hiện anh Hoa quyết định tiếp tục đầu tư hàng chục triệu đồng đào ao kiên cố trên 500m2, mở rộng phát triển việc nuôi cá tầm con để vừa phát triển kinh tế vừa phục vụ du khách tham quan.