Cần có kế hoạch khả thi để nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng, hình ảnh, giá trị sản phẩm cá tra để phát triển hiệu quả, bền vững, góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản. Đó là vấn đề đặt ra tại hội nghị bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại tỉnh Tiền Giang ngày hôm nay (23/6).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, cả nước có tổng diện tích nuôi cá tra khoảng 3.100 ha, đạt trên 62% kế hoạch năm, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến nay, diện tích thu hoạch cá tra khoảng 1.700 ha và sản lượng cá tra nguyên liệu đạt trên 519.000 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến ngày 15/6 đạt trên 582 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý là trong 4 tháng đầu năm nay, giá cá tra nguyên liệu tăng cao, đạt từ 25.000 đồng đến 27.000 đồng/kg, người nuôi lãi từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng/kg. Hiện nay, giá cá tra tuy có giảm xuống ở mức từ 21.500 - 23.000 đồng/kg, nhưng người nuôi vẫn có lãi.
Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra xuất khẩu, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các đơn vị, cá nhân nuôi cá tra thương phẩm cần thực hiện tốt các giải pháp về quản lý và tổ chức sản xuất, phát triển thị trường; đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản phẩm giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất, đặc biệt trong công đoạn ươm dưỡng con giống; xã hội hóa công tác chọn tạo giống cá tra bố mẹ. Các địa phương có vùng nuôi cá tra tập trung cần chủ động bố trí kinh phí phục vụ công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và giám sát chất lượng nguyên liệu cá tra cũng như kiểm soát vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Chú trọng việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm cá tra để tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.