Cá chết vì... đất
Nhìn từ sự thất sủng của một số DN thủy sản với những món nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng suốt thời gian qua, không ít luồng dư luận đang dấy lên những dự báo về một tương lai không mấy sáng sủa của ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là các DN nuôi trồng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra.
Cụ thể, đầu năm 2012, khi những thông tin vỡ nợ từ Công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco) chưa kịp dịu, thì Công ty TNHH An Khang, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Thiên Mã liên tiếp công kích dư luận rằng, thực tế các DN thủy sản, chế biến, xuất khẩu cá tra đang sắp phá sản do đói vốn.
Tuy nhiên, nếu dựa vào một số trường hợp kể trên để đi đến kết luận chung về nguy cơ phá sản của các DN thủy sản, điển hình là cá tra, thì cũng cần phải xem lại. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), con cá tra không phải là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, vỡ nợ của các DN kể trên.
Nguyên nhân chính của vấn đề là DN đã dùng vốn vay nuôi cá để đầu tư vào lĩnh vực khác, đi mua đất đai, khi lãi suất ngân hàng trong giai đoạn tăng cao, nhà đất đóng băng, DN trở tay không kịp là điều tất yếu. "Rất nhiều trường hợp DN ngành cá nói riêng và thủy sản nói chung trước đây đã dùng vốn lưu động để đầu tư vào các dự án ngắn hạn hay dài hạn ngoài lĩnh vực thủy sản và cuối cùng đã gặp khó khăn", ông Hòe phân tích.
Trong khi đó, ngoại trừ những đơn vị xuất khẩu cá tra đầu ngành như: Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC), Công ty CP Hùng Vương (HVC), Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang - Agifish (AGF), Công ty CP Việt An - Anvifish (AVF)... đang kinh doanh tốt, thì đại đa số các DN ngành cá tra còn lại đều đang chung tình trạng khó khăn cả về vốn lẫn thị trường.
Ngành thủy sản đang ngày càng ít hấp dẫn, năng lực cạnh tranh giảm sút nhiều và khoảng 20% DN thủy sản sẽ đóng cửa trong năm nay. Thậm chí, theo cảnh báo của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, hiện có tới 70% DN thủy sản có nguy cơ đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng!
Theo ông Hòe, hiện nay, nói đến thủy sản, đặc biệt là ngành cá, rõ ràng các DN đang đối mặt với quá nhiều khó khăn. Cụ thể, DN xuất khẩu có vùng nuôi đang phải chi phối vốn lớn ở khá nhiều khâu như: xây dựng nhà máy, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu..., nên sẽ bị áp lực rất nhiều so với các DN chỉ có nuôi trồng hay thu mua.
Nhất là trong giai đoạn lãi suất tăng cao như hiện nay, để DN trả lãi cũng đã là chuyện khó. Trong khi đó, các DN có quy mô vùng nuôi lớn, ổn định thì lại phải đối mặt với chuyện thị trường, điển hình là bán cho ai và giá bán như thế nào.
Hiện nay, thị trường châu Âu đang bị biến động mạnh về tình hình kinh tế, nên hơn 40% sản phẩm cá tra xuất khẩu vào thị trường này cũng bị ảnh hưởng. Thị trường Mỹ đang có sự tăng nhẹ, nhưng chỉ mới giải quyết được 15% tổng sản lượng của ngành, còn lại 75-85% phải chia cho các thị trường khác.
Cần 2.000 tỷ đồng giải cứu
Theo VASEP, tính đến thời điểm này đã có hơn 90% DN hội viên đang có nhu cầu được tăng hạn mức vay vốn, mức thấp nhất là 10 tỷ đồng và cao nhất lên đến 1.400 tỷ đồng. Trong đó, 92,3% DN có nhu cầu vay vốn khẩn cấp trong quý II/2012, với hạn mức vay vốn thấp nhất là 10 tỷ đồng và cao nhất là 500 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh, nuôi cá tra, mua nguyên nhiên liệu, vật liệu, thức ăn cho vùng nuôi.
Thế nhưng, số liệu từ Tổng cục Hải quan lại cho thấy, 5 tháng đầu năm 2012, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 2,031 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2011. Theo đó, tỷ lệ tăng này diễn ra đều đặn qua các tháng đầu năm 2012 cho đến nay. Song, điều nghịch lý là thực tế các DN vẫn đang bị đình đốn, hoạt động cầm chừng và không có nguồn vốn tái đầu tư.
Theo ông Hòe, hiện vẫn chưa có cơ sở nào chứng minh nguyên nhân xuất khẩu thủy sản tăng, vì ngành tôm cũng đang gặp khó khăn do tình hình tôm bệnh, chất kháng sinh..., thủy sản thì không thể tăng, chỉ còn duy nhất là hàng tồn kho từ cá tra... Nhưng ở thời điểm này, thị trường đang thiếu nguyên liệu, do đó, không thể còn lượng tồn kho đạt được mức cao đến vậy.
Giá trị cá tra xuất khẩu (triệu USD)
Vừa qua, VASEP cũng đã gửi văn bản kiến nghị hỗ trợ DN thủy sản nói chung và cá tra nói riêng được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi. Cụ thể, kiến nghị đề ra hai giải pháp: rút ngắn kỳ hạn vay khoảng 4 tháng/kỳ bằng hình thức vay tín chấp và chính sách hỗ trợ lãi vay.
Bằng cách làm này, DN thủy sản cần khoảng 2.000 tỷ đồng/kỳ vay vốn để thu mua hết khoảng 100.000-150.000 tấn cá nguyên liệu trong dân (chiếm 20% nguyên liệu cả nước, thanh toán thông qua ngân hàng). Với lãi suất ưu đãi đề xuất ở mức 9% thay vì 14% như hiện nay.
Theo đó, thời gian đề nghị tiến hành từ tháng 4-12/2012. Đồng thời, hỗ trợ nuôi tiếp sức DN đối với các đối tượng nuôi cá tra đang vào mùa thu hoạch với điều kiện đáp ứng được 60% nhu cầu về vốn
Nói thêm về kiến nghị trên, ông Hòe cho biết, thực tế DN thủy sản cần khoảng 4.000 tỷ đồng/2 gói hỗ trợ để có thể mua hết nguyên liệu đang tồn trong dân và tiếp sức DN, nhưng nếu không có chính sách khuyến khích lãi suất gián tiếp hỗ trợ người nuôi thì rõ ràng đề xuất trên sẽ không còn ý nghĩa.
Hiện, số lượng DN xuất khẩu đã giảm khoảng 300 trong tổng số 700 DN tham gia xuất khẩu thủy sản. Riêng đối với DN xuất khẩu cá tra, những DN lớn chiếm tỷ trọng 70% sản lượng xuất khẩu vẫn còn đó, tổng doanh thu giữa các "đại gia" này vẫn không giảm, trái lại còn tăng đều.
Những số liệu trên cho thấy, DN xuất khẩu cá tra hoàn toàn không khó khăn, cũng như không bị động về nguồn hàng. Đây quả là vấn đề đau đầu cho số đông các DN cá tra, bởi với bảng thành tích xuất khẩu bao gồm các số liệu khá hoàn hảo, do tăng trưởng đều qua các tháng, sẽ rất khó để có thể nói hộ phần đông các DN xuất khẩu cá tra trước tình trạng khát vốn như hiện nay.
Hơn 42% đầu mối xuất khẩu thủy sản lọt khỏi danh sách 700 DN xuất khẩu thủy sản năm 2011 chỉ sau 3 tháng đầu năm 2012. (Nguồn: VASEP)