Toàn huyện hiện có trên 1.700ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích thâm canh và bán thâm canh trên 1.000ha. Đây là thành quả từ chủ trương chuyển dịch đúng hướng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thủy sản của Cẩm Khê thời gian qua. Huyện đã thực hiện chính sách hỗ trợ giá giống cho các hộ có diện tích nuôi thủy sản liền vùng, liền thửa đảm bảo diện tích và mật độ nuôi theo quy định. Từ đó đã góp phần thay đổi tập quán nuôi thủy sản của người dân từ hình thức nuôi thức ăn tận dụng, đầu tư thấp sang nuôi thâm canh, bán thâm canh.
Nếu như trước đây, trên địa bàn huyện, ruộng trũng, ao hồ mới chỉ khai thác theo hướng tận dụng, tiềm năng chưa được phát huy triệt để thì nay đã thực hiện các chủ trương phát triển nông nghiệp như: Sản xuất theo hướng hàng hóa, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế gia trại, trang trại. Nhờ đó, không chỉ số hộ thoát nghèo ngày càng nhiều mà ngay cả số hộ làm giàu từ nuôi trồng thủy sản ở Cẩm Khê giờ cũng không còn hiếm.
Văn Khúc là xã có diện tích nuôi thủy sản tương đối lớn của huyện Cẩm Khê, với gần 160ha, tổng sản lượng thủy sản hằng năm của xã đạt khoảng 415 tấn. Hiện toàn xã có khoảng 600 hộ nuôi thủy sản. Hộ ông Đặng Văn Được - khu 4 là một trong những điển hình nuôi thủy sản ở xã. Ông Ðược cho biết: Trước đây, gia đình làm nhiều nghề nhưng đều không thành công. Tận dụng lợi thế của địa phương, gia đình ông quyết định chuyển sang nuôi cá. Lúc đầu nuôi các loại cá truyền thống như mè, trôi, chép… Tuy nhiên, ông nhận thấy nuôi các loại cá truyền thống mặc dù dễ nuôi nhưng giá trị kinh tế thấp. Vì vậy, gia đình ông đã cải tạo ao, học thêm kỹ thuật và chuyển sang nuôi cá trắm đen, diêu hồng, nuôi tôm càng xanh. Ước tính mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu khoảng trên dưới 200 triệu đồng từ nuôi thủy sản.
Ông Hà Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: Văn Khúc là xã có diện tích đồng chiêm trũng lớn nhất của huyện. Để phát huy lợi thế, xã đã quy hoạch vùng đất trũng kém hiệu quả sang nuôi thủy sản theo hướng một lúa một cá và phát triển các mô hình nuôi cá giống, nuôi tôm càng xanh. Đồng thời, khuyến khích các hộ nuôi liên kết, tạo vùng sản xuất tập trung để phát triển nuôi thủy sản bền vững tạo tiền đề thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.