Nhiều vụ án buôn bán, tàng trữ vật liệu nổ cũng đã được đem ra xét xử với những bản án nghiêm khắc. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán vật liệu nổ và dùng mìn để khai thác cá trên biển vẫn cứ diễn ra.
Thi thoảng, trên các phương tiện truyền thông vẫn đưa tin về việc “nổ bình gas” trên tàu đánh cá dẫn đến tàu cháy, người bị thương. Mới đây lại xảy ra vụ “vật lạ dưới biển được ngư dân vớt lên thuyền rồi phát nổ”. Có lẽ đã đến lúc, lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương không nên che đậy sự thật về các vụ tai nạn trên biển này và hãy gọi đúng tên sự việc.
Lâu nay, việc dùng mìn để khai thác cá trên biển của ngư dân, nhất là ngư dân Lý Sơn là khá phổ biến. Nhiều tàu đánh cá ra khơi nhưng không mang một tấm lưới nào cả mà vẫn mang được cá về.
Trừ những công trình xây dựng được nhà nước cho phép dùng thuốc nổ để đánh mìn, tất cả các vụ vận chuyển thuốc nổ đều đổ về hướng biển, để bán cho ngư dân đánh cá. Chưa có nước nào trên thế giới mà ngư dân đã đối xử với biển-nơi đã cưu mang họ hàng nghìn đời nay, một cách vô trách nhiệm như ở nước ta.
Người ta tính rằng, một quả mìn dùng để khai thác cá, chỉ có thể vớt được 30% số cá bị chết, còn lại đều chìm xuống đáy đại dương. Mỗi một rạn san hô bị mìn đánh sập, phải mất ít nhất là 100 năm sau mới có thể hồi phục như cũ. San hô như một mái nhà cho các loài thủy sản trú ngụ, nhưng vì một chút lợi trước mắt mà không ít ngư dân đã nhẫn tâm phá hoại nó bằng mìn.
Đã đến lúc phải gọi đúng tên sự việc và phải có biện pháp mạnh, để chấm dứt hoàn toàn tình trạng dùng mìn đánh cá như lâu nay.