Tuy nhiên, những năm gần đây ngành thủy sản luôn phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều chuyên gia cho rằng cần áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ chế biến, để nâng cao giá trị.
Với lợi thế sông ngòi, thủy văn phù hợp, nghề nuôi thủy sản- chủ yếu là cá tra ngày một phát triển mạnh ở ĐBSCL.
Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL năm 2016 đạt gần 5.000ha, với hình thức nuôi chủ yếu là thâm canh.
Chính sự gia tăng liên tục về quy mô diện tích và mật độ nuôi thủy sản nói chung và cá tra nói riêng là tín hiệu đáng mừng bởi góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho kinh tế hộ.
Tuy nhiên, hình thức nuôi này đã tác động rất lớn đến môi trường và nhất là chất lượng nguồn giống.
Nhiều doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến cá tra, mang hiệu quả cao.
Anh Phùng Văn Thương Em- người nuôi cá tra ở huyện Mang Thít- cho biết: Những năm gần đây, tỷ lệ hao hụt khi nuôi cá ngày càng cao, thậm chí có vụ ao nuôi hao hụt trên 50%.
Sở dĩ có tình trạng này, là do nhiều loại con giống thủy sản bán trôi nổi trên thị trường có chất lượng không đảm bảo, khiến tỷ lệ hao hụt nhiều.
Theo Chi cục Thủy sản Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT), hiện toàn tỉnh có 3 cơ sở sản xuất giống gồm: Trại Giống thủy sản (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh); Trung tâm Giống thủy sản xã Phú Thành (Trà Ôn); Trại sản xuất giống của Công ty Greenfeed. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nguồn cá giống cho người nuôi.
Trong khi đó, giá cá “trồi sụt” thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho người nuôi.
Tại Vĩnh Long, giá cá tra trong tháng 10/2017 đã tăng cao nhất lên 28.000 đ/kg, tăng khoảng 1.000 đ/kg so tháng trước, nhưng thực tế người nuôi vẫn chưa vui.
Ông Hồ Văn Vàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam- cho rằng: Bên cạnh giá cả thì khó khăn nhất hiện nay là không kiểm soát được thức ăn, đã tác động đến người nuôi cá. Hầu hết người nuôi đều nợ ngân hàng nên ít ai tiếp cận được vốn, chủ yếu vay qua đại lý thức ăn với lãi suất cao.
Hiện không ít hộ đã chuyển nuôi cá khác, nhiều hộ treo ao, bỏ ao để mặc tình cho cá sông ra vô.
Một số trường hợp chuyển sang nuôi cá lóc, cá trê, nhưng thực tế “chuyển đổi cũng chưa ổn”, bởi ngoài ô nhiễm môi trường thì những loại này chỉ tiêu thụ nội địa, số lượng không lớn, hiệu quả chưa cao.
Tại các hội thảo quốc tế chuyên ngành thủy sản “Aquaculture Việt Nam 2017” tại Cần Thơ mới đây, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến để theo kịp xu hướng phát triển quốc tế và giá trị sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng, triển lãm và hội thảo quốc tế chuyên ngành thủy sản là dịp để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giới thiệu những khoa học công nghệ về khai thác, nuôi trồng và bảo quản sản phẩm thủy sản.
Không chỉ có tiềm năng xuất khẩu, cá tra ĐBSCL còn có tiềm năng về ẩm thực. Ảnh: HOÀNG MINH
Đồng thời, là cơ hội quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm dịch vụ và hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Từ đó, góp phần tạo động lực để TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi cá tra nói riêng.
Còn theo TS. Lê Thanh Lựu- Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (Hiệp hội Nghề cá Việt Nam), thời gian qua nông dân và các doanh nghiệp tiếp cận khá tốt và ứng dụng khá nhanh khoa học kỹ thuật của thế giới vào sản xuất kinh doanh, giúp nuôi trồng thủy sản đạt năng suất kỷ lục và chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao.
Tuy nhiên, vấn đề tổ chức liên kết giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành còn nhiều trở ngại. Do vậy, các cơ quan chức năng và các bên liên quan cần có trách nhiệm thúc đẩy thực hiện tốt việc liên kết để ngành thủy sản khó phát triển bền vững.
Ở góc độ xúc tiến thương mại và ẩm thực- ông Dương Nghĩa Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam- cho rằng:
Chúng ta chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu mà “quên mất” thị trường trong nước còn rất nhiều tiềm năng.
Hầu hết đại bộ phận người Việt chưa thấy rõ giá trị của cá tra và chưa biết cách nấu nướng món ăn như thế nào cho ngon và hợp khẩu vị.
Vì vậy, việc xúc tiến sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường trong nước có ý nghĩa vô cùng to lớn và quan trọng.
“Khi sản phẩm cá tra trở nên đa dạng và phong phú, với nhiều cách chế biến và ăn uống đặc sắc thì cũng là lúc nó trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng, tạo điều kiện tiêu thụ tại chỗ cũng như quảng bá những sản phẩm cá tra chế biến theo kiểu Việt ra thế giới.”- ông Dương Nghĩa Quốc cho biết thêm.