Những năm gần đây, diện tích nuôi cá bổi ở huyện Trần Văn Thời không ngừng tăng lên. Năm 2013, toàn huyện có hơn 280 ha ao đầm nuôi cá bổi công nghiệp, sản lượng ước đạt hơn 4.000 tấn. Với sản lượng này, năm qua huyện sản xuất được gần 2.000 tấn cá khô bổi thành phẩm.
Tuy nhiên, số lượng sản phẩm được người dân đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” còn rất thấp, chưa tới 100 tấn.
Theo thống kê của Hội Nông dân huyện, hiện tại trên địa bàn huyện có 10 cơ sở làm nghề phơi cá khô bổi (cao điểm số cơ sở sản xuất còn tăng nhiều hơn), nhưng chỉ có 2 cơ sở đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh”, số còn lại thì sản xuất theo kiểu truyền thống, không sử dụng nhãn hiệu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, kiêm Trưởng Ban quản lý nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh”, cho biết, mặc dù thời gian qua chúng tôi rất nỗ lực giúp người dân làm thủ tục đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể và hỗ trợ kỹ thuật, máy móc để các cơ sở sản xuất thực hiện đúng các quy trình, kỹ thuật.
Song, do nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng nhãn hiệu tập thể này nên chưa tham gia đăng ký. Chính từ sự thiếu quan tâm của bà con đã làm cho nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” chưa được người tiêu dùng ngoài tỉnh biết đến và chưa quảng bá được thương hiệu.
Mặt khác, nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” nên nhập cá bổi tươi từ các tỉnh vùng trên về để làm khô, không bảo đảm chất lượng. Theo quy định, một sản phẩm muốn được công nhận nhãn hiệu thì phải đáp ứng 3 yếu tố sau: chỉ dẫn địa lý (nguồn gốc xuất xứ), số lượng, là sản phẩm đặc thù.
Đối với nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” thì nguồn gốc xuất xứ phải là của huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh. Vì vậy, nếu người dân nhập cá bổi tươi từ nơi khác về để làm khô là không đúng nguồn gốc xuất xứ, đó là chưa kể đến chất lượng sản phẩm không bảo đảm.
Cá khô bổi của huyện Trần Văn Thời nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung từ lâu được người tiêu dùng rất ưa thích, vì vừa hợp khẩu vị, vừa mang tính đặc trưng của vùng đất rừng U Minh Hạ.
Việc người dân chưa quan tâm sản xuất theo nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” không chỉ chưa phát huy hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất mà còn vô tình tự đánh mất thương hiệu do mình làm ra.
Vì thế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật để nông dân tham gia ngày càng đông, đăng ký và phát huy giá trị nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” là vấn đề cần làm ngay của các cơ quan chức năng./.