Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, dự báo sản lượng cá ngừ năm nay có thể đạt mức kỷ lục 17.000-18.000 tấn. Trong các mặt hàng hải sản, cá ngừ hiện là mặt hàng có giá trị nhất.
Tuy nhiên, điều đáng nói là chất lượng cá ngừ bị giảm khiến giá bán giám mạnh.
Trước đây, đánh bắt cá ngừ đại dương được thực hiện bằng cách câu ở độ sâu từ 70-100m (gọi là câu vàng), dù năng suất không cao nhưng cá có chất lượng rất tốt.
Hiện nay, ngư dân chuyển sang đánh bắt bằng đèn cao áp chiếu sáng, tức là chiếu đèn xuống nước ở độ sâu khoảng 30-50m, để cá ngừ đại dương tập trung đến rồi dùng câu tay để bắt. Với kiểu đánh bắt này, sản lượng tăng cao, cá bắt lên nhìn rất tươi ngon nhưng chỉ sau vài tiếng đồng hồ, chất lượng cá giảm rõ rệt. Điều này khiến các ngư dân chuyển từ khai thác các loại cá biển khác sang đánh bắt cá ngừ không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn.
Tại Hội thảo “Đánh giá sản lượng khai thác cá ngừ” do Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản (Bộ NNPTNT) tổ chức tại Nha Trang, đại diện tỉnh Bình Định cho biết toàn bộ số tàu câu vàng của địa phương này đã chuyển sang câu tay. Năm 2012, Bình Định có 1.060 tàu đánh bắt cá ngừ câu tay.
Với hình thức câu tay, chất lượng cá ngừ đánh bắt chỉ để chế biến thăn cá ngừ hấp chín hoặc cá xử lý CO nên không đủ phẩm cấp để chế biến sashimi, loại sản phẩm xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản và EU. Đây là nguyên nhân giá cá ngừ bị giảm mạnh. Hiện giá cá ngừ câu tay giảm từ 80.000 VND/kg năm 2012 xuống còn 38.000-40.000 đồng/kg.
Vì thế, nếu không giải quyết được các vấn đề như kỹ thuật câu, chế biến, bảo quản để giúp cho cá ngừ giữ được chất lượng tốt, qua đó nâng được giá bán, sẽ khiến ngư dân quay về nghề cũ, làm ảnh hưởng tới sản lượng cá ngừ trong thời gian tới.
Biện pháp giải quyết vấn đề này chính là các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu cải tiến kỹ thuật khai thác và bảo quản cá ngừ, đặc biệt là trong nghề câu tay, để nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch cho ngư dân.