1. Da
- Da cá tra được cấu tạo gồm 2 lớp: lớp biểu bì và lớp hạ bì. Lớp biểu bì được cấu tạo bởi các biểu mô hình vảy, xen kẽ giữa các biểu mô hình vảy là các tế bào tiết dịch nhờn và các tế bào chùy có kích thước lớn (Club cells)
- Da cá tra là cơ quan bao phủ toàn bộ cơ thể cá, do nó tiếp xúc với các điều kiện bên ngoài cũng như các loại mầm bệnh.
- Ngoài chức năng là hàng rào vật lý chống lại mầm bệnh, da còn tham gia vào quá trình hô hấp và bài tiết, tham gia vào quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu.
- Trên da cá tra có lớp nhớt được cấu tạo bởi protein và carbohydrate. Tác dụng của lớp nhớt cá là rào cản vật lý bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, làm giảm độc tính các vết thương, giảm bớt ma sát khi cá di chuyển.
2. Cơ
- Cơ cá tra gồm có cơ vân, cơ trơn và cơ tim. Cơ trơn nằm chủ yếu ở vách nội tạng, các ống dẫn và các mạch máu…còn cơ vân được tìm thấy ở 2 bên vách thân. Cơ tim chỉ phân bố ở tim cá.
Cơ cá tra (ảnh tepbac.com)
3. Dạ dày
- Dạ dày cá tra được cấu tạo gồm 4 lớp: lớp thanh mạc (được cấu tạo bởi các mô liên kết sợi) nằm ở ngoài cùng, kế đến là lớp cơ trơn có nhiệm vụ co bóp thức ăn, tiếp theo là lớp dưới niêm mạc cấu tạo bởi mô liên kết và có nhiều mạch máu và trong cùng là lớp niêm mạc dạ dầy, được cấu tạo bởi các biểu mô trụ đơn.
- Dạ dày nằm nối tiếp sau thực quản và kết thúc ở cơ co thắt môn vị ở phần ruột trước. Chức năng chính của dạ dày là chứa thức ăn và tiết ra men tiêu hóa thức ăn.
4. Ruột
- Ruột cá tra có cấu tạo giống như dạ dầy, gồm 4 lớp: lớp thanh mạc, lớp cơ trơn, lớp dưới niêm mạc và trong cùng là lớp niêm mạc ruột, tuy nhiên lớp lớp cơ trơn và lớp thanh mạc của ruột mỏng hơn của dạ dầy.
- Ruột bắt đầu từ cơ co thắt môn vị và kết thúc ở hậu môn. Cá tra là loài ăn tạp nên ruột nó có hình gấp khúc. Ruột là phần quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn vì ở đây quá trình tiêu hóa thức ăn được hoàn tất và những sản phẩm cuối cùng của các quá trình tiêu hóa được hấp thụ.
- Ruột là cơ quan hô hấp phụ của cá tra khi môi trường thiếu oxi. Lúc này cá ngoi lên mặt nước đóp lấy không khí, không khí lấy vào đoạn ruột sau sẽ trao đổi khí với máu, khí thừa sẽ theo hậu môn ra ngoài.
5. Gan
- Ở lát cắt ngang, gan cá tra được bao bọc bên ngoài bởi tế bào biểu mô lát đơn, kế đến là lớp tế bào gan có hình đa giác, trên gan có lớp đảo tụy được cấu tạo bởi các tế bào nang tuyến, các ống dẫn mật đi từ gan đến túi mật và các trung tâm đại thực bào sắc tố.
- Gan cá tra là cơ quan chính để giải độc cho cơ thể, tổng hợp và chuyển hóa các chất cần thiết, tham gia vào quá trình tiêu hóa (tiết dịch mật), là cơ quan dự trữ đường (Glycogen) một số vitamin (B12, acid folic,…) và khoáng chất (Fe)…
- Ngoài ra, gan có chức năng chuyển hóa thuốc và kháng sinh được hấp thu qua đường tiêu hóa.
Gan cá tra (ảnh tepbac.com)
6. Mang
- Mang cá tra nằm 2 bên phần đầu, mỗi bên có 4 cung mang, mỗi cung mang có 2 lá mang, 2 lá mang được cấu tạo bởi nhiều nhiều tơ mang (sợi mang thứ cấp), trên tơ mang có nhiều phiến mang (sợi mang sơ cấp).
- Mang cá tra giữa vai trò trong quá trình hô hấp, nó lấy oxi từ ngoài để đưa vào trong cơ thể cá, đồng thời thải CO2, NH3, Ure từ máu trong cơ thể ra môi trường bên ngoài.
- Ngoài ra, mang cá tra còn có vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu.
Mang và bóng hơi cá tra (ảnh tepbac.com)
7. Bóng hơi
- Bóng hơi cá tra được cấu tạo bởi 3 lớp: lớp ngoài cùng là lớp thanh mạc, kế đến là lớp cơ bên ngoài và lớp cơ bên trong. Lớp cơ bên ngoài cấu tạo bởi các sợi cơ và mô liên kết, lớp cơ bên trong được cấu tạo bởi lớp biểu mô lát đơn, lớp xốp dưới màng nhày có nhiều mô liên kết với mạch máu.
- Bóng hơi nằm trong xoang bụng của cá, là một cơ quan rỗng nằm giữa ống tiêu hóa và thận sau.
- Bóng hơi cá tra có dạng hình ống dài bên trong có chứa các hỗn hợp khí CO2, O2, N2 với tỉ lệ khác với không khí.
- Bóng hơi giữ vai trò quan trọng như 1 cơ quan thủy tĩnh, giúp cá điều tiết tỷ trọng cơ thể, qua đó giúp cá lên xuống tầng nước được dễ dàng.
- Ngoài ra, bóng hơi còn đóng vai trò như một cơ quan hô hấp phụ, có thể hoạt động như một lá phổi và là nơi dự trữ oxi giúp cá có thể tồn tại trong khoảng thời gian ngắn.
- Ngoài các chức năng trên, bóng hơi còn có chức năng nhạy cảm với áp lực nước, nhạy cảm với âm thanh và đặc biệt là bóng hơi còn có ý nghĩa quan trọng trong mùa sinh sản cũng như trong việc tấn công hay phòng thủ với kẻ thù.
8. Tim
- Tim cá tra có cấu tạo gồm 4 phần: xoang tĩnh mạch, tâm nhỉ, tâm thất và bầu động mạch. Xoang tĩnh mạch là nơi tiếp nhận máu từ tim đổ về các cơ quan, cấu tạo bởi lớp biểu mô lát đơn mỏng bên ngoài và lớp cơ tim ở bên trong. Tâm nhĩ cấu tạo bởi lớp cơ tim bao gồm lớp biểu mô và mô liên kết có cấu trúc xốp chứa tế bào máu bên trong. Tâm thất là bộ phận co bóp chủ yếu của tim, có cấu tạo gồm 2 lớp: lớp bên ngoài là mô liên kết và lớp bên trong là lớp cơ tim chứa nhiều khoảng không bào chứa các tế bào máu bên trong.
Tim cá tra (ảnh tepbac.com)
9. Thận
- Thận cá tra có cấu tạo gồm 2 phần: thận trước và thận sau. Thận trước cá tra có chức năng tạo máu, được cấu tạo chủ yếu bởi các mô xen kẽ và các trung tâm đại thực bào sắc tố nằm rãi rác. Thận sau có chức năng bài tiết là chủ yếu, được cấu tạo chủ yếu bởi các ống thận và quản cầu thận, các trung tâm đại thực bào sắc tố.
- Thận có chức năng bài tiết các sản phẩm thừa ra khỏi cơ thể, tái hấp thu đường và các ion Na+, Cl-, Ca2+, Mg2+…để chống lại sự chênh lệch nồng độ.
- Ngoài ra, thận cá tra còn tham gia vào quá trình tạo máu và tham gia vào hệ thống miễn dịch (tạo hồng cầu và bạch cầu) bằng các mô xen kẽ.
10. Tỳ tạng
- Tỳ tạng cá tra được cấu tạo bởi lớp biểu mô lát đơn, cấu trúc của tỳ tạng gồm 2 phần là tủy đỏ và tỷ trắng. Khi quan sát dưới kính hiển vi phần tủy đỏ bắt màu nhạt còn tủy trắng thỉ bắt màu đậm hơn.
- Tỳ tạng cá tra có màu đỏ tím, đỏ thẩm và dạng hình elip dẹp. Tỳ tạng thường nằm cạnh ruột và các chức năng của tỳ tạng đảm nhận vai trò tạo máu, nó sinh ra các huyết cầu và phá hủy các tề bào già cỗi.