Anh Trần Duy Phong, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bạc Liêu – một trong các tỉnh có bề dày lịch sử nuôi tôm ở Việt Nam. Anh tốt nghiệp tại trường Đại học Nông Lâm chuyên ngành thủy sản. Sau khi tốt nghiệp anh vừa làm, vừa học văn bằng 2 tại Đại học kinh tế TP.HCM. Niềm đam mê công nghệ đã thôi thúc anh tự học lập trình và bắt đầu xây dựng nhóm những người đồng hành chung chí hướng.
Ngay những năm còn ở giảng đường đại học, anh đã thấy được sự khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin chính thống về nuôi trồng thủy sản. Để giúp người dân luôn được cập nhật sớm nhất các kiến thức mới về thủy sản, trang thông tin điện tử Tép Bạc ra đời vào năm 2012. 4 năm sau, khi công nghệ số bùng nổ ở các nước châu Âu, từ đó lan rộng ra khu vực Đông Nam Á. Việc áp dụng công nghệ vào nuôi thủy sản dần phổ biến ở các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu như Na Uy, Ecuador, Trung Quốc. Anh nhận ra nếu không giúp người Việt mình - nhất là bà con nuôi thủy sản, ta sẽ trở nên tụt hậu, từ đó dẫn đến giá trị cạnh tranh của thủy sản Việt trên trường quốc tế giảm sút nghiêm trọng. Từ đây, anh đặt những nền móng đầu tiên cho mô hình “Trại nuôi thông minh Farmext”
Với bản thân, anh thường tự nhắc nhở: “Vì lợi ích của nông dân” - đó là lí do anh chọn khâu nuôi trồng để cải tiến, dù anh biết rất khó thay đổi quan điểm “kinh nghiệm” trong lòng người dân. Nhưng đây là việc cần thiết phải làm bằng mọi giá, để người Việt nắm bắt sớm nhất công nghệ trong thủy sản, tạo bàn đạp đưa thủy sản Việt đến mọi ngõ ngách toàn cầu.
Luôn nghĩ về lợi ích của nông dân nên anh Trần Duy Phong đã chọn khâu nuôi trồng để cải tiến.
“Ngành nuôi tôm tại Việt Nam thừa sức đứng đầu thế giới!”
Anh Phong chia sẻ: “Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở đặt mục tiêu cho vị trí đứng đầu ngành tôm, với đủ mọi lợi thế từ điều kiện tự nhiên, kỹ thuật nuôi đến thị trường xuất khẩu. Con tôm Việt sẽ phát triển nhanh khi được định hướng đúng, trong đó ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi tôm công nghệ cao chính là điểm đột phá.”
Tuy nhiên, anh nhận ra sự kìm hãm nước mình chính là ngại thay đổi . “Dân mình nuôi trồng thủy sản rất giỏi, kỹ thuật nuôi đạt trình độ cao. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu và dịch bệnh rất phức tạp như ngày nay, rủi ro sẽ cao hơn rất nhiều so với vài năm trước. Thực tế đã chứng minh, áp dụng công nghệ trong nuôi tôm ở các nước khác tạo ra hiệu quả kinh tế cao, rủi ro giảm đến mức thấp nhất, giúp chủ trại truy xuất được nguồn gốc con tôm, tạo điều kiện dễ dàng để xuất khẩu sang các thị trường lớn.” Nếu chúng ta có thể phá vỡ gọng kìm này, tiềm năng của thủy sản Viêt là vô hạn.
Xây dựng mô hình nuôi trồng hoàn toàn tự động hóa bằng trí tuệ nhân tạo là mục tiêu của anh. 8 năm tự mày mò, nghiên cứu và chế tạo sản phẩm mẫu, anh vẫn còn nhớ sản phẩm thử nghiệm đầu tay của mình đã hư hỏng nặng ngay từ lần chạy thử đầu tiên. Để có được sản phẩm ổn định, anh không nhớ nổi đã thử nghiệm bao nhiêu lần, anh chỉ nhớ 1 điều đã trở thành động lực cho anh “không thể để người Việt mình chịu thua kém!” Nhờ vậy, các thiết bị IoT đầu tiên trong mô hình Farmext đã thành hình.
“Trại nuôi thông minh Farmext”- Niềm tự hào của trí tuệ Việt
Một “trại nuôi thông minh Farmext” tiêu chuẩn sẽ bao gồm các thiết bị và phần mềm:
- Ứng dụng Farmext – Ứng dụng cung cấp giải pháp quản lý trại nuôi hiệu quả
- Tủ điều khiển Farmext cabinet – Hoạt động như công tắc bật tắt từ xa cho các thiết bị trong ao nuôi. Người dân có thể theo dõi, cài đặt thời gian bật tắt hoặc máy tự động bật tắt theo điều kiện môi trường
- Máy đo môi trường Farmext envisor – Thiết bị đo môi trường 24/7, 5 phút/ lần đo và có hệ thống tự động vệ sinh. Số liệu được gửi về Ứng dụng Farmext giúp người dân dễ theo dõi. Hiện máy đo các chỉ số: pH, ORP, t0, DO, EC
- Máy cho ăn thông minh Farmext feeder – Tự động gợi ý chương trình cho ăn tùy thuộc vào giai đôạn của tôm, máy cũng có thể cho ăn theo điều kiện môi trường.

Tất cả các thiết bị sẽ được quản lý và truy xuất dữ liệu trên ứng dụng Farmext. Với ứng dụng này, chủ trại luôn theo dõi được tình trạng ao nuôi hiện tại của mình ở bất cứ đâu. Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ của các thiết bị IoT giúp chi phí nuôi giảm đi đáng kể. Giúp người dân cho tôm cá ăn hiệu quả hơn theo điều kiện định sẵn, tiết kiệm điện cho các thiết bị quạt và sụt khí nhờ trí thông minh tự động phân tích điều kiện môi trường. Ngoài ra, các sự kiện bất ngờ như không phát hiện kịp thời tình huống nguy cấp gây ảnh hưởng năng suất, sử dụng điện liên tục nhiều giờ gây cháy nổ, tai nạn nghề nghiệp trên ao nuôi,v.v...đã được nằm trong tầm kiểm soát.
Hiện nay, công ty Tép Bạc đã hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trong nước để cung cấp mô hình Farmext. Ngoài ra, Farmext cũng nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan nhà nước bao gồm bộ Khoa học Công nghệ, các trung tâm Khuyến nông tại các tỉnh thành...Cán bộ các cấp đã tạo rất nhiều điều kiện để người dân được hiểu hơn về lợi ích sử dụng công nghệ, cũng như giới thiệu đến bà con sản phẩm công nghệ chất lượng cao “made in Vietnam”. Có thể thấy, công ty Tép Bạc nói chung và mô hình Farmext nói riêng đã nhận được sự tin tưởng, ưu chuộng của người dân với hơn 12 mô hình hoàn chỉnh, 100 thiết bị được bán lẻ, và hơn 4000 người dùng trên Farmext app.
Anh Trần Duy Phong và đội ngũ phát triển mô hình Trại nuôi thông minh Farmext.
Mang trong mình sứ mệnh đưa thủy sản Việt vươn xa khỏi các biên giới, với những bước đà vững chãi, Farmext định hướng hoàn thiện trí thông minh nhân tạo hơn trong tương lai để trở thành công nghệ quản lý tiên tiến nhất Việt Nam. Sắp tới đây, Farmext sẽ được giới thiệu rộng rãi cho các tổ chức chính phủ ở nước lân cận như Campuchia, Indonosia, Ấn Độ, v.v...”Với sự đồng lòng và ủng hộ của mọi người” anh Phong nói “Tôi tin rằng giấc mơ thấy thủy sản Việt nằm trên kệ của mọi siêu thị trên thế giới sẽ không còn xa nữa.”