Riêng vùng nuôi khu vực cầu Lệ Uyên trong phạm vi bán kính 1km có khả năng thiếu ôxy trầm trọng, đề nghị chính quyền địa phương thông báo cho các hộ nuôi tôm hùm, cá biển di dời lồng bè đến nơi có độ sâu tốt hơn. Tại vùng nuôi Phú Mỹ (TX Sông Cầu), hàm lượng vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép (1.530 CFU/ml), các hộ nuôi tôm hùm nên tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ.
Tại vùng nuôi Phước Long, Phước Giang (huyện Đông Hòa) có NH3 (amoniac) vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Hệ thống nước ngầm vùng này đang có nguy cơ ô nhiễm, người nuôi tôm cần tăng cường sục khí cho ao nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học, cấy men vi sinh định kỳ 1 lần/tuần để ổn định pH (không để pH vượt quá ngưỡng 8,5 sẽ làm tăng tính độc của NH3). Định kỳ siphon loại bỏ chất hữu cơ trong ao nhằm giảm hàm lượng NH3 ở đáy ao. Ở các vùng nuôi này cũng có hàm lượng NO2 (nitơ đioxit) vượt ngưỡng giới hạn cho phép nên có nguy cơ bị ô nhiễm, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra định kỳ chất lượng nước trong ao, cần xử lý lượng thức ăn thừa, phân tôm và xác phiêu sinh vật.
Tại các vùng nuôi Vũng Tàu, Phước Long, Phước Giang (huyện Đông Hòa) có hàm lượng PO4 (photphat) vượt ngưỡng giới hạn cho phép, nguồn nước cấp tại khu vực này có nguy cơ phú dưỡng hóa ở thủy vực và sự phát triển của các loài tảo, vi tảo trong thời gian đến là rất cao. Các hộ nuôi tôm cần xử lý nước định kỳ nhằm giảm hàm lượng PO4 dưới ngưỡng cho phép, không để các thông số môi trường dao động lớn nhằm giúp tôm nuôi tránh bị stress.
Tại một số vùng nuôi như Tân Long (huyện Tuy An), Vũng Tàu, cầu Ông Đại có hàm lượng H2S vượt ngưỡng giới hạn cho phép, người nuôi cần tăng cường sục khí và cung cấp ôxy cho đáy ao để loại trừ H2S. Ở các vùng nuôi Hòa Hội (TX Sông Cầu), Tân Long, Mỹ Phú (huyện Tuy An), Bãi Ngọn, Vũng Tàu, Phước Long, Phước Giang và Cầu Ông Đại (huyện Đông Hòa) có hàm lượng DO thấp dưới ngưỡng giới hạn cho phép, những vùng nuôi này tồn đọng nhiều chất hữu cơ, trầm tích khá cao, người nuôi cần quản lý tốt lượng thức ăn, không để thức ăn dư thừa. Tại vùng nuôi Phước Giang có nguy cơ thiếu DO vào sáng sớm trong những ngày nắng nóng hoặc mưa làm nước phân tầng, người nuôi cần tăng cường siphon đáy ao, tăng chế độ sục khí, quạt nước và xử lý chế phẩm sinh học để cải thiện chất lượng nước ao.
Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản khuyến cáo đến bà con tại các vùng nuôi tôm nước lợ khi sử dụng vi sinh dạng bột thì cần phải cho vào xô sục khí từ 12-24 giờ để chủng vi sinh thích nghi với môi trường và phát triển ở mật độ thích hợp sau đó đưa xuống ao mới có hiệu quả. Không sử dụng vi sinh dạng bột đánh trực tiếp xuống ao hiệu quả sẽ không cao. Người nuôi tôm nên duy trì mực nước trong ao nuôi trên 1,5m, bổ sung khoáng vi lượng, vitamin và xử lý vi sinh định kỳ nhưng rút ngắn thời gian giữa hai lần xử lý nhằm làm sạch đáy ao, tăng sức đề kháng cho tôm. Ngoài ra, người nuôi tôm cần duy trì quạt nước tránh hiện tượng phân tầng nhiệt, đặc biệt khi có mưa cần phải chạy các dàn quạt đồng thời kết hợp sử dụng vôi nhằm hạn chế tảo trong ao nuôi tàn lụi do thay đổi nhiệt độ, độ mặn đột ngột. Khi cấp nước vào ao, người nuôi phải cấp nước qua ao lắng, xử lý nước nhằm hạn chế lây nhiễm mầm bệnh từ ngoài vào ao nuôi.