Thời gian qua, Bạc Liêu đã đầu tư trên 70% hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2 với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mục tiêu là đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD trước năm 2025. Đây là bước đi góp phần hiện thực hóa ý tưởng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tại hội nghị "Phát triển ngành tôm Việt Nam" đầu năm 2017 tại tỉnh Cà Mau: Đưa con tôm Việt xuất ngoại, mang về 10 tỉ USD mỗi năm.
Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bến Tre là 5 tỉnh ĐBSCL nhiều năm liền đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng tôm nuôi, cung cấp khoảng 70% sản lượng và giá trị xuất khẩu. Lịch sử hình thành và phát triển của ngành nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm ĐBSCL đã tạo ra kỳ tích. Con tôm không chỉ là sản phẩm chủ lực của vùng này mà còn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia.
Bảy tháng đầu năm nay, trong khi tất cả ngành nghề đều chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 thì xuất khẩu tôm và xuất khẩu gạo vẫn là điểm sáng đáng ghi nhận - là 1 trong 6 nhóm, mặt hàng xuất khẩu của cả nước đạt trên 1 tỉ USD. Bất chấp khó khăn, xuất khẩu tôm tăng mạnh, đạt gần 2 tỉ USD, tăng 12,1% so cùng kỳ.
Thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực chế biến và xuất khẩu tôm đã được nhận diện. Thế nhưng, để thật sự trở thành một "công xưởng nuôi tôm thế giới", ngành tôm còn phải làm nhiều việc. Phía sau thành tích và vùng sáng đó là những mảng tối.
"Kiểm đếm" những lúc khó khăn, vùng này có đến 70% doanh nghiệp thủy sản ngừng hay đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất. Thương hiệu tôm chưa được quan tâm đầu tư; chưa kể tình trạng một số người làm ăn chụp giật, "tham bát bỏ mâm", bơm tạp chất vào tôm, đánh mất hình ảnh và giá trị của con tôm Việt. Mấy mươi năm vượt biên giới quốc gia, con tôm cũng chỉ đơn điệu với sản phẩm đông lạnh, trong khi dư địa phát triển còn nhiều nếu được đầu tư vốn, công nghệ chế biến sâu. Các "mỏ vàng" từ phụ phẩm (đầu tôm, vỏ tôm) được nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới như thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh như chitosan dùng trong ngành công nghiệp hay chitosan cao cấp trong ngành y tế, giá bán có thể lên đến 500 USD, gấp 500 - 600 lần giá trị hiện nay. Ngay cả bùn nuôi vuông tôm cũng mở ra dư địa phát triển ngành công nghiệp phân bón hữu cơ dùng cho các sản phẩm nông nghiệp sạch, organic và góp phần giảm tải xử lý, ô nhiễm môi trường, mang lại lợi ích kép.
Mục tiêu trở thành vùng sinh thái nuôi tôm hay "công xưởng nuôi tôm thế giới", xuất khẩu tôm 10 tỉ USD vào năm 2025 tưởng như xa vời khi kim ngạch xuất khẩu tôm hiện tại mới đạt 3,4 tỉ USD.
Để đạt được "giấc mơ tôm", cần cách nghĩ, cách làm khác hơn. Khoa học - công nghệ là phương tiện nhưng rất cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp hành động liên ngành và một quyết tâm mạnh mẽ. Phải liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa "sân chơi" nội địa lẫn quốc tế để các doanh nghiệp ngành tôm ứng xử đúng, liên kết lại "làm sạch con tôm" và đủ sức cạnh tranh với bên ngoài. Một trung tâm công nghiệp tôm của cả nước ở Bạc Liêu là bước đi cần thiết nhưng để đến được đích như kỳ vọng thì còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa.