Ông không những là người giỏi việc nước mà còn đảm việc nhà; không chỉ là cán bộ Mặt trận năng nổ trong hoạt động của xã, mà còn là một Bí thư chi bộ luôn đi đầu trong các phong trào của thôn; với một gia đình đầm ấm và những đứa con thành đạt, giỏi giang…
Gặp chúng tôi trong bộ cánh áo nông dân giản dị, ở cái tuổi 50 trải qua bao nắng gió của cuộc đời, gương mặt có phần khắc khổ. Rồi ông hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về cuộc chinh chiến với đói nghèo. Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông anh em nhưng ông may mắn hơn các anh chị của mình khi được gia đình chăm lo cho ăn học đến nơi đến chốn. Khi cầm tấm bằng kinh tế của trường Nông nghiệp Quận 3 TP.Đà Nẵng, ông hiểu, đó cũng là trọng trách to lớn mà gia đình đặt lên vai.
Quyết không khuất phục với đói nghèo. Từ những kiến thức học được, ông Trực tận dụng nguồn diện tích mặt nước bỏ không để phát triển nuôi tôm sú. Mùa vụ đầu tiên năm 2005 chỉ với vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng đầu tư công cải tạo, mua tôm giống trên thửa tích 1,5 ha, cuối vụ đã cho lợi nhuận gấp ba, gấp bốn lần trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình, sự khâm phục của lối xóm. Từ những thắng lợi sau mùa vụ đầu tiên rồi những vụ mùa tiếp theo, sẵn số vốn tích góp sau các mùa vụ, vay thêm ngân hàng nông nghiệp, ông dần chuyển đổi từng bước từ hình thức nuôi quảng canh tự nhiên sang nuôi bán quảng canh và bây giờ là nuôi tôm Thẻ chân trắng với những điều kiện, yêu cầu kỹ thuật khắt khe, giá trị kinh tế lại cao. Hiện tại, mỗi kg tôm thẻ chân trắng bán ra với giá 130 nghìn đồng, trung bình mỗi vụ tôm trừ chi phí đầu tư cho ông thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng. Thời gian tới, ông sẽ thử nghiệm thêm nhiều mô hình mới như mô hình nuôi cua thương phẩm, mô hình chăn nuôi trâu, bò lấy thịt với giá trị kinh tế cao.
Từ việc thấy rõ những lợi ích kinh tế từ con tôm, các hộ dân trong thôn, xã Hoà Liên đã tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm, số hộ đầu tư nuôi thả cũng không ngừng tăng nhanh và coi đó như một "cứu cánh” thoát nghèo cho người dân. Mới đây, để đảm bảo thị trường đầu ra, nguồn giống nhập cũng như nắm bắt các vấn đề liên quan đến nuôi trồng thuỷ hải sản trong cả nước... ông đã thành lập Chi hội những hộ nuôi tôm với 18 thành viên, nhận được sự ủng hộ cao của bà con. Đặc biệt được Bộ NN&PTNT đã phối hợp với thành phố mở lớp trực tiếp đào tạo kỹ thuật, nuôi thả trong vòng 3 tháng cho 30 hộ dân trong xã vừa học kỹ thuật, vừa nuôi trồng trên đồng ruộng…
Không chỉ đóng góp tìm ra đường hướng phát triển nuôi tôm trên chính đồng ruộng cằn sỏi bỏ không, giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo, ông Trực còn được người dân tín nhiệm bầu làm Bí thư thôn Trường Định; được chính quyền xã, UBMTTQ Hoà Liên gửi gắm trong chức danh Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Thường trực MTTQ xã…Dù ở cương vị nào, ông vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được người dân tin yêu, được chính quyền tuyên dương, MTTQ huyện Hoà Vang khen tặng, và gần đây là Hội Nông dân TP. Đà Nẵng trao bằng khen nông dân làm kinh tế giỏi.
"Tôi tự hào vì góp được phần nào đó cho sự phát triển chung của xã, của thôn. Được người dân tin yêu với cái tên "ông Trực đồng tôm, ông Trực Mặt trận…là tôi ấm lòng rồi”, ông Trực tự hào chia sẻ.