Ba nguyên tắc khoa học cơ bản
Tiến sỹ Bùi Ngọc Thanh là Giám đốc kỹ thuật thủy sản Việt Nam, Điều phối Chương trình Sông trong ao tại Đông Nam Á của USSEC cho biết, đây là một công nghệ nuôi thâm canh, khép kín, bền vững được Đại học Auburn (Mỹ) phát triển và USSEC phổ biến thông qua mạng lưới toàn cầu. Có 3 nguyên tắc khoa học cơ bản của công nghệ “sông trong ao”.
Tiến sỹ Bùi Ngọc Thanh giới thiệu 3 nguyên tắc khoa học cơ bản của công nghệ “sông trong ao”
Thứ nhất là nuôi nhốt - giới hạn không gian nuôi. Trong ao được xây dựng các máng bằng gạch và xi măng để nuôi nhốt cá. Một máng thường rộng 5 mét, dài 22 mét, sâu hơn 2 mét để có 220 m3 nước nuôi cá; và xây trong ao có tối thiểu 10.000 m3 nước. Để nuôi đạt hiệu quả kinh tế, cần có ít nhất 3 máng kề nhau và như thế, ao tối thiểu phải có 30.000 m3 nước. Khi ao càng rộng thì làm nhiều máng hơn và hiệu quả sẽ cao hơn.
Máng có cổng chắn bằng lưới thép. Nuôi cá trong máng được giới hạn không gian nên cho ăn với FCR thấp, sục khí hiệu quả và kinh tế, quá trình nuôi dễ quan sát, thu hoạch và xử lý sự cố đều tiết kiệm. Có thể thả nuôi đan xen nhiều lứa và nhiều loài. Quản lý tồn kho, bán hàng và tiếp thị thuận lợi. Đặc biệt là bảo vệ an toàn sinh học, bảo tồn được nước và môi trường.
Nguyên tắc thứ hai là dòng chảy/O2/tuần hoàn. Hệ thống máng có máy thổi khí (thể tích lớn, áp suất khí ra thấp và có dàn tạo bọt (ống tạo bọt khí, cung cấp khí tươi). Ứng dụng nguyên lý khí dâng và mái tạo góc, có phao nổi để duy trì độ sâu của dàn tạo bọt.
Cá trong máng nuôi không chỉ liên quan chặt chẽ tới chất lượng nước ao và còn phụ thuộc vào tốc độ dòng chảy và tần suất trao đổi nước trong hệ thống. Cho nên tốc độ dòng chảy được khuyến cáo từ 8-10 cm/giây. Nước trong máng được trao đổi sau 4-6 phút tùy thuộc vào loài cá, kích cỡ cá và tổng sinh khối cá trong hệ thống và nhiệt độ. Nếu dòng chảy quá mạnh sẽ đẩy phần thải ra ngoài hệ thống; nếu dòng chảy quá chậm thì phân cá sẽ bị lắng đọng ở đáy máng làm ô nhiễm hệ thống.
Việc tạo dòng chảy còn có tác dụng trộn nước từ tầng mặt xuống đáy, chống hiện tượng nước phân tầng để ánh sáng chiếu tốt hơn. Từ đó, mật độ tảo mỏng hơn, nhiều oxy hòa tan hơn nên cái thiện oxy hóa sinh học, cải thiện nitrat hóa giúp cá lớn khỏe.
Chú ý ở đây là đơn vị nước trắng, như trái tim của công nghệ. Mỗi máng nuôi cần 2 đơn vị nước trắng ở đầu máng và ở ngoài ao, được vận hành liên tục 24/24 nhằm duy trì sự lưu thông dòng nước trong hệ thống. Thiết bị tạo nước trắng yêu cầu được duy tu, bảo dưỡng định kỳ
Nguyên tắc thứ ba là loại bỏ chất thải rắn. Nhằm loại bỏ nhu cầu tiêu thụ oxy sinh học cho hệ thống, cải thiện oxy hòa tan giúp cá khỏe hơn và chuyển hóa dinh dưỡng tốt hơn. Đồng thời, tạo phụ phẩm có ích và thương mại cho nông nghiệp (sử dụng tưới cây, trồng rau thủy canh, làm phân bón hữu cơ) và có thể sản xuất khí ga sinh học.
Công nghệ của tương lai nuôi trồng thủy sản
Cuộc hội thảo đánh giá công nghệ “sông trong ao” có thể là tương lai của nuôi trồng thủy sản, bởi bối cảnh biến đổi khí hậu khốc liệt, yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm ngày càng cao. Công nghệ này đã tiết kiệm được nguồn nước, đất, năng lượng, nhân công; Bảo vệ môi trường tốt vì loại bỏ hơn 70% lượng chất thải rắn, quá trình nuôi không thay nước. Công nghệ đã đẩy thêm một bước hiện đại nuôi trồng thủy sản (siêu thâm canh, kiểm soát và lượng hóa tốt hơn), và đơn giản hóa trong vận hành (cho ăn, kiểm soát bệnh, thu hoạch vv.). Sản phẩm cá an toàn và chất lượng tốt hơn; tăng hiệu quả kinh tế, xã hội và sinh thái.
Mô hình nuôi cá trong bể xi măng. Ảnh: Dân Việt
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhìn nhận công nghệ này “không dễ và không dành cho tất cả mọi người”. Bởi lẽ, chuyển từ nuôi truyền thống sang “sông trong ao” giống như nuôi quy mô nhỏ lẻ sang công nghiệp thâm canh, năng suất cao.
Muốn triển khai nuôi cá “sông trong ao” thì phải có ao lớn để xây dựng ít nhất 3 máng, nếu ao nhỏ có thể gộp các ao liền kề. Cần có điện lưới ổn định và máy phát điện dự phòng để đảm bảo 24/24 nước trong máng luôn chảy. Bên cạnh, có nguồn giống đảm bảo về số lượng, kích cỡ, chất lượng. Có tài chính để xây dựng hệ thống đầy đủ và mua thiết bị liên quan (bao gồm cả dụng cụ), mua cá giống và chi phí vận hành.
Thạc sĩ khoa học thủy sản Esau Arana trình bày kinh nghiệm nuôi cá “sông trong ao” ở Nam Mỹ cho biết, năng suất gấp 3 lần nuôi hồ lớn, với cá rô phi đạt 97 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, chi phí đầu tư và điện vận hành cũng lớn hơn, một số cơ sở nuôi cá nheo, chim trắng, rô phi tổ chức tốt đã đạt được lợi nhuận tới 44%. Đặc biệt cá nuôi “sông trong ao” có thịt chắc nên một số quốc gia như Colombia đang ngày càng ưa chuộng.
Nuôi cá “sông trong ao” phát triển ở Trung Quốc từ năm 2015 và nay đã lan khá rộng; ở Việt Nam từ năm 2017 chủ yếu phía Bắc. Xuất hiện nhiều sáng kiến nuôi cá “sông trong ao” bằng năng lượng mặt trời, hoặc kết hợp với nuôi trai ngọc, tôm, cua và rau thủy canh trong ao, lúa xung quanh, kết hợp làm du lịch.
Nhiều câu hỏi về công nghệ “sông trong ao” có thể sử dụng nuôi cá tra hay không? Các chuyên gia phân tích, nuôi cá tra hiện nay lợi nhuận thấp nhưng đã đạt năng suất rất cao nên công nghệ “sông trong ao” trước mắt chưa phù hợp. Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu khó lường và công nghệ “sông trong ao” không ngừng cải tiến thì tương lai vẫn để ngỏ cánh cửa. Với cá tra hiện nay, các chuyên gia của USSEC đang phối hợp một số cơ quan, doanh nghiệp nghiên cứu tối ưu hóa dinh dưỡng, quản lý cá nuôi và chọn lọc giống.
Cuộc hội thảo kết thúc với niềm tin: Công nghệ “sông trong ao” tiếp tục phát triển ở nước ta khi đồng hành cùng ngành nuôi trồng thủy sản với cam kết thân thiện môi trường, an toàn thực phẩm, bền vững.