Lợi cả đôi bên
Ngư dân Trần Văn Đạt - Tổ trưởng Tổ hợp tác Nghề cá Phước Đồng chia sẻ: “Qua gần 2 năm cùng DN xây dựng chuỗi liên kết, ngư dân đã nhận được những lợi ích thiết thực từ mô hình này. Toàn bộ sản phẩm được bao tiêu, chất lượng được đảm bảo nên DN thu mua với giá cao hơn thị trường, có chính sách khuyến khích... Việc tham gia các chuỗi liên kết đã giúp ngư dân yên tâm bám biển. Nếu ngày đầu thành lập chuỗi chỉ có 40 tàu cá tham gia thì đến nay đã có hơn 100 tàu cá tham gia”.
Được biết, năm 2017, Tổ hợp tác Nghề cá Phước Đồng đã tiến hành giao dịch với Công ty TNHH Thịnh Hưng 542 chuyến biển với tổng sản lượng 758 tấn, bình quân 1,5 tấn/chuyến; chất lượng bảo quản sản phẩm tốt với hơn 95% cá ngừ đại dương khai thác được đạt tiêu chuẩn của DN đề ra; trong đó có 30% cá đạt chất lượng loại A… 6 tháng đầu năm, 2 bên đã thực hiện giao dịch 265 chuyến biển, với tổng sản lượng 250 tấn; chất lượng bảo quản sản phẩm cá ngừ đạt tiêu chuẩn lên đến 98%.
Theo ông Nguyễn Thái Hiểu - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Hưng, từ khi tham gia chuỗi liên kết, công ty đã có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng đảm bảo để đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu; việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu cũng đảm bảo. Thời gian tới, công ty cam kết đồng hành cùng ngư dân, hy vọng chuỗi liên kết này ngày càng thu hút nhiều tàu cá tham gia hơn nữa.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, phát triển các chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ là chủ trương lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại Khánh Hòa, chuỗi liên kết giữa Tổ hợp tác Nghề cá Phước Đồng và Công ty TNHH Thịnh Hưng khá thành công, giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại lâu nay. Chuỗi đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng sản phẩm nhờ ngư dân áp dụng quy trình khai thác, sơ chế do DN hướng dẫn. Chuỗi liên kết còn giúp ngư dân có đầu ra ổn định, tránh tình trạng bán xô, bị ép giá như trước đây. Thông qua chuỗi liên kết, ngư dân cam kết không đánh bắt bất hợp pháp, để DN có sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường EU, từ đó góp phần tháo gỡ thẻ vàng mà EU đang cảnh báo hiện nay.
Để liên kết thêm bền chặt
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.370 tàu cá khai thác xa bờ, thu hút khoảng 4.500 lao động; trong đó có hơn 600 tàu khai thác cá ngừ. Đến nay, Chi cục Thủy sản đã vận động thành lập được 2 chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua chế biến, tiêu thụ 2 đối tượng là cá ngừ vây vàng, mắt to và cá ngừ sọc dưa. Thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục hỗ trợ, vận động DN, ngư dân tham gia các chuỗi liên kết hiện có và phát triển thêm một số chuỗi liên kết mới, mục tiêu là toàn bộ tàu khai thác xa bờ trong tỉnh sẽ tham gia các chuỗi liên kết nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Theo ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh, từ năm 2011 đến nay, tuy địa phương đã triển khai nhiều chuỗi liên kết với sự tham gia của nhiều DN thủy sản lớn nhưng không bền vững. Vì vậy, để chuỗi này ngày càng phát triển, nhân rộng, cơ quan chức năng cần quan tâm giải quyết các đề xuất của ngư dân và DN về những khó khăn, tồn tại trong chuỗi liên kết. Đơn cử như việc bố trí khu vực thuận tiện để DN và chủ tàu thực hiện bốc dỡ, phân loại, bán cá… cần được các cảng cá tạo điều kiện tối đa…
Một vấn đề được xác định là cốt lõi tạo nên mối liên kết bền vững giữa ngư dân và DN chính là chất lượng sản phẩm. Điều khiến DN lo lắng là so với năm 2017, từ đầu năm đến nay, chất lượng bảo quản sản phẩm cá ngừ đạt tiêu chuẩn tăng lên 3%, nhưng sản phẩm chất lượng cao lại giảm. Vì vậy, DN khuyến cáo ngư dân cần tuân thủ quy trình đánh bắt, bảo quản sản phẩm đã được công ty hướng dẫn, bởi tỷ lệ hàng bay, hàng fillet càng cao thì thu nhập của ngư dân càng lớn. Một vấn đề đặt ra nữa là hiện nay có hiện tượng một số DN chế biến không tham gia chuỗi liên kết nhưng sẵn sàng thu mua với giá cao nhằm lôi kéo các chủ tàu, một khi ngư dân không thực hiện cam kết với DN, bán sản phẩm ra ngoài thì mô hình này rất dễ bị phá vỡ…
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản đề nghị: “Để các chuỗi liên kết được bền vững, DN thu mua và ngư dân cần tiếp tục gắn kết, xây dựng chuỗi ngày một phát triển. Bên cạnh đó rất cần chính sách hỗ trợ các tác nhân tham gia chuỗi. Ngư dân rất mong được hỗ trợ để đầu tư máy móc, thiết bị bảo quản sản phẩm, nhất là đối với các tàu vỏ gỗ, đào tạo kỹ năng khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm. DN cần được hỗ trợ trong việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu, mở rộng thị trường…”.